Những người lính áo trắng ở Trường Sa (Bài 1)

Những người lính áo trắng ở Trường Sa (Bài 1)
Bài 1: Mệnh lệnh từ trái tim 

Mệnh lệnh từ trái tim 
Nhắc lại những buổi đầu triển khai công tác y tế cho quần đảo Trường Sa, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết: Thực hiện Chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 2/1992, tổ quân y đầu tiên gồm 1 bác sỹ, 1 y sỹ và 1 y tá của Bệnh viện Quân y 175 đã nhận nhiệm vụ lên đường đến Trường Sa. Cũng từ ngày đó, tổ quân y bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ, nhân dân, ngư dân đang lao động sản xuất trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. 
Các chiến sĩ quân y đảo Sơn Ca khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Các chiến sĩ quân y đảo Sơn Ca khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Lúc bấy giờ, Bệnh xá Trường Sa chỉ là một mái nhà lợp tôn ván gỗ đơn sơ giữa bốn bề sóng biển, trang thiết bị y tế thiếu thốn. Thế nhưng, bằng tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết, trong nhiệm kỳ 2 năm của mình, tổ quân y đầu tiên đã góp phần cải thiện môi trường sống trên đảo, "thanh toán" được nhiều bệnh truyền nhiễm như lang ben, hắc lào, tiêu chảy… Ngoài ra, tổ quân y cũng trực tiếp cứu chữa cho các chiến sỹ, người dân trong các sự cố sức khỏe khác. “May mắn là trong 2 năm chúng tôi làm nhiệm vụ trên đảo, không xảy ra sự cố cấp cứu nghiêm trọng nào”, bác sỹ Nguyễn Kỳ Dưỡng, tổ trưởng tổ quân y đầu tiên chia sẻ.  Sau nhiệm kỳ của tổ quân y đầu tiên, mỗi năm một lần lại có một tổ quân y tạm biệt đất liền để ra với Trường Sa. Trong suốt 26 năm qua, đã có hơn 200 lượt cán bộ quân y nối tiếp nhau ra đảo, phục vụ chiến sỹ, người dân. Đã thành thông lệ, mỗi năm cứ vào mùa xuân lại có một tổ quân y của Bệnh viện Quân y 175 nhận nhiệm vụ lên đường. “Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng mà mỗi bác sỹ, cán bộ, nhân viên của bệnh viện đều thấm nhuần. Ngoài tổ quân y cơ hữu thường trực trên đảo, bất kỳ thời điểm nào chúng tôi cũng luôn có 3 tổ khác sẵn sàng lên đường đến Trường Sa trong những trường hợp khẩn cấp”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho hay.  Dù chỉ có một năm thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa nhưng với bác sỹ trẻ Hoàng Ngọc Cường đó là quãng thời gian khó quên trong cuộc đời mình. Làm nhiệm vụ ở đảo xa có rất nhiều khó khăn nhưng đó chính là trường học lớn để một bác sỹ trẻmtích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Quan trọng hơn, đến Trường Sa, những bác sỹ trẻ như bác sỹ Cường càng cảm thấy tình yêu với quê hương, đất nước được nhân lên nhiều lần. “Đến với Trường Sa không còn chỉ đơn thuần là nhiệm vụ được giao mà còn là mệnh lệnh từ trái tim”, bác sỹ Hoàng Ngọc Cường khẳng định. 
Các chiến sĩ quân y đảo Nam Yết phẫu thuật cho ngư dân gặp nạn khi đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa. Ảnh: Dương Giang - TTXVNCác chiến sĩ quân y đảo Nam Yết phẫu thuật cho ngư dân gặp nạn khi đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Các chiến sĩ quân y đảo Nam Yết phẫu thuật cho ngư dân gặp nạn khi đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Điểm tựa giữa biển khơi  Dù đã có tổ quân y thường trực trên các đảo nhưng năm 2007, sau nhiều lần ra Trường Sa, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nhận thấy bệnh xá phục vụ cho quân dân biển đảo còn quá sơ sài trong khi ngày càng xuất hiện nhiều ca bệnh khó, yêu cầu được chăm sóc y tế ngày một cao. Chính vì thế, ông đã đề xuất với Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập một trung tâm y tế quy mô lớn có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh giữa biển khơi. Bắt đầu từ đó, bằng tinh thần “góp đá xây Trường Sa” kêu gọi người dân cả nước cùng chung tay để xây dựng Trung tâm y tế Trường Sa.  Ngày 25/5/2017, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được khánh thành. Công trình này là minh chứng cho sự đồng thuận, một lòng hướng về biển đảo của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Hải Quân, Bệnh viện Quân y 175 và đặc biệt là sự góp sức của nhân dân khắp mọi miền đất nước. Nói về sự ra đời của Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết, đây là trung tâm y tế hiện đại bậc nhất cả nước với 12 nhân viên y tế túc trực thường xuyên với các trang thiết bị hiện đại, có đủ năng lực để giải quyết những cấp cứu căn bản cả về nội khoa và ngoại khoa, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cấp cứu trong khuôn khổ "thời gian vàng" của các bệnh lý.  Không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho quân, dân trên đảo Trường Sa, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa còn phục vụ ngư dân khai thác hải sản trong vùng biển này và cho cả thuyền viên trên các tàu bè nước ngoài không may gặp nạn.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 trực tiếp kiểm tra cho bệnh nhân được đưa về đất liền bằng trực thăng. Ảnh: TTXVN phát
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 trực tiếp kiểm tra cho bệnh nhân được đưa về đất liền bằng trực thăng. Ảnh: TTXVN phát
“Chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được các trung tâm y tế tại tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa, sẵn sàng đón nhận tất cả tàu thuyền của nước ngoài gặp nạn hoặc cần sự hỗ trợ về y tế, là điểm tựa y tế giữa biển khơi, là địa chỉ cứu trợ nhân đạo quốc tế”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.  Đặc biệt, kể từ khi lắp đặt hệ thống telemedicine (hội chẩn trực tuyến từ xa) trên các đảo, khoảng cách giữa đất liền và hải đảo đã được rút ngắn. Hệ thống telemedicine đã tạo ra sự kết nối giữa các cơ sở y tế trên đảo với đất liền, giúp những chuyên gia đầu ngành của bệnh viện có thể tận mắt quan sát người bệnh, trao đổi trực tiếp với y tế cơ sở, nghiên cứu các kết quả xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất, từ đó lựa chọn chỉ định điều trị thích hợp nhất, an toàn nhất cho người bệnh./.
Đinh Hằng
Bài 2: Kỳ tích cứu người giữa biển khơi
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm