Khảo cổ học biển, đảo Việt Nam: Chưa xứng tiềm năng

Khảo cổ học biển, đảo Việt Nam: Chưa xứng tiềm năng

Với hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để khai thác giá trị khảo cổ học biển, đảo, góp phần minh chứng văn hóa biển lâu đời của dân tộc. Những năm gần đây, khảo cổ học Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức độ có tới đâu làm tới đó mà chưa có những trung tâm nghiên cứu riêng, những phương tiện kỹ thuật chuyên dụng và chưa có chương trình đào tạo về khảo cổ học biển đảo.

Là một trong những người gắn bó với với khảo cổ học biển đảo, TS Phạm Quốc Quân, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cho rằng: hơn 1 thập niên vừa qua, chúng ta thực hiện khai quật khảo cổ học biển, đảo bằng sự hợp tác với nước ngoài, bởi trình độ cũng như phương tiện kỹ thuật chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, những đợt khai quật ấy đều mang tính thương mại, hiện vật không được bảo quản nguyên gốc, bị chia phần cho các bên tham gia.

radiovietnam_Khảo cổ học biển, đảo Việt Nam: Chưa xứng tiềm năng
Các chuyên gia trong một Hội thảo về những di vật gốm sứ được tìm thấy tại quần đảo Trường Sa
(Ảnh: Thể thao & Văn hóa)

Những năm gần đây, Khảo cổ học biển, đảo Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng kể trong cả hai lĩnh vực điền dã và lý thuyết, tiến hành khai quật nhiều tàu đắm cùng một số dự án nghiên cứu dân tộc học, khảo cổ về kỹ thuật đi biển, kỹ thuật đóng tàu, nghiên cứu về con đường giao thương, hệ thống cảng biển, phòng ngự trên biển cùng những yếu tố văn hóa phi vật thể như lễ khao lề, lễ hội đua thuyền hình thành lâu đời trong đời sống cư dân Đại Việt, mối quan hệ giao thương của người Việt với thế giới.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Quốc Quân, chúng ta vẫn chưa thể tập hợp và công bố toàn diện để thế giới hiểu rõ hơn về văn hóa biển, đảo Việt Nam. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc đều có Viện nghiên cứu di sản biển.

Trong viện nghiên cứu ấy có bảo tàng di sản biển gồm cả trung tâm khảo cổ học dưới nước. Đó không chỉ là nơi lưu giữ, phát huy mà còn có nhiệm vụ đưa văn hóa biển đến với công chúng, khai quật di sản biển với phương pháp khoa học nhất, trong khi chúng ta lại chưa làm được điều đó.

TS Phạm Quốc Quân nhận định: “Dưới góc độ người làm bảo tàng, tôi mong muốn chúng ta có một bảo tàng di sản biển. Ví dụ bảo tàng văn hóa các dân tộc có một chương trình trưng bày về văn hóa sông, nước. Ở Quảng Ngãi đang định trưng bày một bảo tàng ở Lý Sơn về Trường Sa, Hoàng Sa; ở Phú Quốc cũng đang có dự án xây dựng bảo tàng hàng hải. Tôi nghĩ rằng tất cả dự án này đang nằm trong diện ý tưởng. Để có một bảo tàng xứng tầm về biển, về di sản biển thì tôi nghĩ rằng phải là một dự án đầu tư của Nhà nước, mới có thể xứng tầm quốc gia biển như ở Việt Nam”.

Bên cạnh đó, sự thiếu vắng các nhà khảo cổ học dưới nước nói chung, khảo cổ học biển, đảo nói riêng tại Việt Nam cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, hiệu quả của các cuộc khai quật dưới nước. Việc khảo cổ học biển, đảo đang được tiến hành theo phương pháp thủ công, có tới đâu, làm tới đó. Hay nói cách khác là chúng ta còn bị động trước những con tàu cổ bị đắm vì thiếu cán bộ giỏi.

Mới đây, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã xây dựng Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước với chức năng chính là khảo sát, khai quật trong lĩnh vực khảo cổ học dưới nước sơ bộ và kiểm kê những địa điểm khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; nâng cao nhận thức về lịch sử biển, đảo đồng thời hợp tác quốc tế để khai thác hiệu quả hơn nguồn di sản quý giá này.

Theo TS Đặng Tiến Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam thì việc này là rất cần thiết nhưng cũng rất khó khăn: “Không ăn xổi được, không bóc ngắn cắn dài, càng không đi tắt đón đầu được. Muốn làm khảo cổ học 10 năm sau tốt thì làm ngay từ bây giờ. Đấy là nền móng, tiên phong. Cách đây mấy chục năm, từ thời GS Hà Văn Tấn còn làm viện trưởng Viện khảo cổ học thì ông đã đưa ra vấn đề đó rồi nhưng bây giờ mới triển khai được bước đi đầu tiên. Đặc biệt phía nước ngoài họ rất ưu tiên, có thể cấp tiền lấy người trong nước đi đào tạo nước ngoài, nhưng vấn đề là ai đi bây giờ. Mới đây Thái Lan đề nghị cử người sang đào tạo thì cán bộ trẻ của chúng ta tiếng Anh rất kém, mà tiếng Anh kém thì hòa cả làng rồi”.

Khảo cổ học dưới nước đòi hỏi kỹ thuật cao hơn từ phát hiện đến khai quật, xử lý, bảo quản hiện vật, vì vậy chi phí cũng tốn kém hơn. Nói một cách cụ thể thì nếu chi 1 đồng cho khảo cổ trên cạn thì người ta sẽ phải mất 6 đồng cho khảo cổ dưới nước. Thiếu phương tiện kĩ thuật, thiếu sự đầu tư đúng mức cũng đang là vấn đề lớn khiến cho khảo cổ học biển, đảo Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Theo VOV5

Có thể bạn quan tâm