Hải quân nhân dân Việt Nam: Sự trưởng thành kỳ diệu

Hải quân nhân dân Việt Nam: Sự trưởng thành kỳ diệu
Đại tá Trịnh Tuần, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân. Ảnh: Gia Linh
Đại tá Trịnh Tuần, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân. Ảnh: Gia Linh


Đại tá Trịnh Tuần, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân vẫn luôn dõi theo sự trưởng thành của Hải quân Việt Nam, nơi ông và các đồng đội đã dành cả cuộc đời cống hiến. Thấy Hải quân Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, ông xúc động vô cùng. Với ông, đó không chỉ là sự tự hào của riêng ông, của các đồng đội mà còn là niềm tự hào và hy vọng của cả dân tộc.

Đại tá Trịnh Tuần đã kể cho chúng tôi nghe về truyền thống rất vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam trong quá trình 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành.

Lớn mạnh từ 20 chiếc ca nô gỗ

Ngày này 61 năm trước (7/5/1954), chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại kết thúc thắng lợi, hòa bình lập lại trên toàn cõi Đông Dương, nhưng đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Chính vì vậy, sau đó 1 năm (7/5/1955), để bảo vệ chủ quyền, quản lý chặt chẽ trên 800 km dải bờ biển miền Bắc từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17 (Quảng Trị), Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển – đơn vị tiền thân của Hải quân Việt Nam.

Để có phương tiện, lực lượng tàu thuyền, Cục Phòng thủ bờ biển quyết định tự đóng 20 tàu gỗ 20 tấn lắp máy ô tô sau khi loại bỏ các phương án xin viện trợ từ các nước XHCN anh em, xin tiền Nhà nước để mua tàu của nước ngoài. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở chiến sĩ trong quá trình đóng, lắp 20 con tàu.
Kết quả, số lượng phương tiện và lực lượng hoạt động cần thiết do Cục trực tiếp quản lý trong những ngày đầu thành lập, gồm 20 tàu ca nô, 36 thuyền buồm và 6 tiểu đoàn thực binh… Trên cơ sở đó, sau này từng bước xây dựng phát triển lực lượng hải quân mạnh, làm nòng cốt đảm nhận nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi rộng lớn hơn, bảo vệ vững chắc bờ biển, vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

Rất đặc biệt là song song với việc thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, ngày 26/4/1955, Trường Huấn luyện bờ biển được thành lập và lập tức thực hiện khóa huấn luyện đầu tiên. Ngày 24/8/1955, lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng được tổ chức tại Trường Huấn luyện bờ biển – đây là những đơn vị chiến đấu chính quy đầu tiên của Hải quân Việt Nam.

Nhưng trước đó 6 năm, ngày 8/3/1949, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân thuộc Bộ Tổng tham mưu. Đại tá Trịnh Tuần chính là một trong những thành viên của Ban nghiên cứu này. Ông được cử sang Trung Quốc để học tập trong vòng 1 năm.

Ban Nghiên cứu Thủy quân có 3 ban chuyên môn là: Hàng hải, thông tin hàng hải, điện cơ máy nổ và các bộ phận hành chính, quân sự, hậu cần. Các ban này có nhiệm vụ: Nghiên cứu phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng thủy quân, phù hợp với thực tiễn hiện nay và trong tương lai; Tập hợp đội ngũ cán bộ, công nhân viên hải quân cũ, tạo điều kiện xây dựng cơ sở ban đầu; Tuyển mộ, huấn luyện đào tạo một đội ngũ thủ quân cách mạng, trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải.

Nhiệm vụ đầu tiên đặt ra cho Ban Nghiên cứu Thủy quân là huấn luyện xây dựng một đội du kích có khả năng hoạt động trên sông, rồi từ sông mới tiến ra biển khi có điều kiện. Đó cũng chính là ý nghĩa Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bộ Tổng Tham mưu khi nghe báo cáo và đề nghị thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân và mở lớp thủy quân.

Đại tá Trịnh Tuần nhớ lại, tại buổi lễ công bố quyết định thành lập, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng nêu rõ: “Ban Nghiên cứu Thủy quân bước đầu còn non bé, nhưng tiền đồ sẽ vẻ vang. Chắc chắn một ngày không xa sẽ trưởng thành thành Quân chủng Hải quân”.

Ngày 10/8/1950, Đội Thủy binh 71 với khoảng 60 chiến sĩ được thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân. Tuy nhiên, trước yêu cầu góp phần duy trì chiến tranh du kích ở vùng Đông Bắc và châu thổ duyên hải Bắc Bộ, đầu năm 1951, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Ban Nghiên cứu Thuỷ quân và Đội Thuỷ binh 71.

Ngày 24/1/1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ biển trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ chính của Cục Hải quân là giúp Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh nghiên cứu, thực hiện kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân, chỉ huy lực lượng hải quân, quản lý quân cảng, phối hợp với các binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu trong thời chiến. Đây đánh dấu bước phát triển quan trọng của hải quân, từ nhiệm vụ nghiên cứu chuyển sang chỉ đạo, chỉ huy mọi hoạt động của các lực lượng hải quân.

Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 3/1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân với nhiệm vụ: Lãnh đạo, chỉ huy xây dựng Quân chủng Hải quân, tự đảm nhận nhiệm vụ hoạt động chiến đấu trên không phận, hải phận, bờ biển miền Bắc. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam về quy mô tổ chức và sức mạnh chiến đấu trên con đường xây dựng một quân chủng mới - Quân chủng Hải quân, một quân chủng chiến đấu bằng lực lượng binh chủng hợp thành và phương tiện kỹ thuật hiện đại, lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông nước, biển và hải đảo của Tổ quốc.

Những dấu mốc chói lọi

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã xây đắp lên truyền thống “Chiến đấu anh dũng; mưu trí sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải quân nhân dân đã anh dũng chiến đấu trên chiến trường sông biển thể hiện ý chí làm chủ, giành quyền làm chủ vùng biển của Tổ quốc. Ngày nay, Hải quân nhân dân vẫn bám tàu, bám biển, trụ vững nơi đảo xa, đó cũng là thể hiện ý chí làm chủ vùng biển.

Chiến thắng trận đầu ngày 2/8/1964 và 5/8/1964 của Hải quân nhân dân Việt Nam khi anh dũng đánh đuổi tàu khu trục Maddox của đế quốc Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc, bắn rơi 1 máy bay; hiệp đồng chiến đấu với lực lượng Phòng không 3 thứ quân và quân dân các địa phương ven biển miền Bắc bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái, lập nên chiến công đánh thắng trận đầu.

Đại tá Trịnh Tuần kể rằng, trên tất cả các khu vực bị tấn công, các tàu của Hải quân Việt Nam và lực lượng chiến đấu bảo vệ căn cứ đều đánh trả quyết liệt. Dựa vào trận địa phòng thủ và sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sự phối hợp phòng không của ba thứ quân, trong đó các trận địa pháo của bộ đội phòng không và dân quân tự vệ biển phối hợp rất chặt chẽ và đắc lực, các tàu của Hải quân đã chiến đấu rất dũng cảm, phát huy được cao độ trí thông minh sáng tạo và kỹ năng chiến đấu, vừa cơ động phòng tránh vừa đánh trả địch có hiệu quả và hạn chế được tổn thất.
Trong những năm 1965-1968 và 1972-1973, trong điều kiện vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa tham gia chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đánh 716 trận, bắn rơi 118 máy bay, bắn bị thương 102 lần chiếc, bắn chìm và bắn bị thương 45 tàu, thuyền địch, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Hải quân nhân dân Việt Nam đã nêu cao ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, làm nòng cốt phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang đánh bại chiến tranh phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ (trực tiếp tháo gỡ, rà phá, làm mất hiệu lực 2.400 quả thủy lôi), mở tuyến, thông luồng, nối lại tuyến vận tải đường biển chiến lược chi viện miền Nam.

Thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường miền Nam, trong những năm 1961-1975, Hải quân nhân dân Việt Nam mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là một nhiệm vụ to lớn nhưng vô cùng khó khăn, nguy hiểm.

Với quyết tâm cao độ, Hải quân nhân dân Việt Nam đã sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển táo bạo, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi dọc ven biển miền Nam, đến tận cùng đất nước và sát cửa ngõ Sài Gòn, mưu trí vượt qua các phòng tuyến bao vây, phong tỏa của địch, vận chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược, thuốc men, hàng chục nghìn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, nơi mà Đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ không vươn tới được. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, là nét sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tàu Không số đang thực hiện hải trình trên biển.
Tàu Không số đang thực hiện hải trình trên biển.


Đại tá Trịnh Tuần cho biết, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Hải quân huy động cao nhất tàu, thuyền để đưa gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu; phối hợp cùng Quân khu 5 thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển miền Trung, vùng biển Tây Nam, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, Hải quân nhân dân Việt Nam đã tập trung củng cố và phát triển lực lượng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Hiện nay, Quân chủng Hải quân được tổ chức thành 5 vùng chiến lược trải dọc theo chiều dài ven biển của đất nước, với đầy đủ 5 binh chủng (tàu mặt nước; tàu ngầm; không quân Hải quân; pháo-tên lửa bờ biển; Hải quân đánh bộ-đặc công Hải quân và phòng thủ đảo).

Khép lại cuộc trò chuyện dài, Đại tá Trịnh Tuần nay đã ở tuổi 80 nhưng vẫn giữ nguyên khí chất của một người lính Hải quân nhân dân Việt Nam, nắm chặt tay hào sảng khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có thể mất mát hy sinh, nhưng vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, bộ đội Hải quân luôn chiến đấu dũng cảm, kiên cường, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc từng sải biển, từng tấc đảo của Tổ quốc.
 

http://baodientu.chinhphu.vn/

Có thể bạn quan tâm