Biển đảo Việt Nam

Định hướng mô hình phát triển kinh tế xanh tại các xã đảo

Định hướng mô hình phát triển kinh tế xanh tại các xã đảo
Phát triển thiếu bền vững

Theo nhận xét của Tiến sĩ Lê Xuân Sinh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển-Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam: Nền “kinh tế xanh” là nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái.

Để phát triển bền vững hệ thống các xã đảo ven bờ Việt Nam, cần định hướng phát triển mô hình kinh tế xanh trên cơ sở các ngành sản xuất, dịch vụ phải thân thiện với môi trường; bảo tồn và phát triển rừng nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng tiếp cận quy trình công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện đại và ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, coi đây là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác, tạo nên sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân trên đảo.

Tiến sĩ Lê Xuân Sinh cho rằng, ba xã đảo Việt Hải, Nhơn Châu và Nam Du có những đặc điểm riêng của ba vùng miền trên cả nước. Đều có đặc điểm là xã đảo ven bờ có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội còn hoang sơ, chưa có mô hình kinh tế xanh phù hợp. Vị trí xã đảo cách xa các trung tâm kinh tế-xã hội và đại diện cho 3 khu vực (miền Bắc, miền Trung và miền Nam), có sự khác biệt điều kiện tự nhiên vùng biển ven bờ, có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng. Các xã đảo này đang bị ảnh hưởng bởi các thách thức do ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiếu định hướng quản lý trong khai thác tự nhiên.

Việt Hải là một xã của huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng, nằm ở phần phía Đông của đảo Cát Bà, hòn đảo lớn thứ ba của Việt Nam. Xã có ranh giới được quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên 86 km2, trong đó diện tích đất xã quản lý là 141 ha với dân số 270 người, 88 hộ. Nơi đây kinh tế chậm phát triển, chưa có chợ, nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu mua từ đất liền hoặc tự cung tự cấp. Sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát và càng ngày càng bị thu thu hẹp.

Trẻ em được nuôi dạy tại trường mầm non xã Việt Hải, huyện Cát Hải. Ảnh: Lâm Khánh -TTXVN
Trẻ em được nuôi dạy tại trường mầm non xã Việt Hải, huyện Cát Hải.
Ảnh: Lâm Khánh -TTXVN

Xã Nhơn Châu (Cù lao Xanh) là xã đảo thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Chu vi quanh xã đảo dài khoảng 15 km, diện tích tự nhiên khoảng 3,62 km2. Do nằm cách xa đất liền, điều kiện cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư nhưng còn gặp nhiều khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, lực lượng vũ trang, biên phòng trên đảo rất thiếu thốn. Tình trạng thiếu điện cộng với phương tiện từ đảo vào đất liền còn hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển, buôn bán của người dân cũng như hạn chế hoạt động du lịch tại đảo. Toàn xã chủ yếu là đất xám feralit (chiếm 90%) có độ phì kém, kết cấu rời rạc, nghèo dinh dưỡng; phần diện tích còn lại là đất mặn chiếm khoảng 10% nên gây khó khăn cho người dân trong khai thác quỹ đất phục vụ nông nghiệp.

Xã Nam Du là một xã đảo trong bốn xã đảo của huyện Kiên Hải (Kiên Giang), cách thành phố Rạch Giá khoảng 120 km. Xã Nam Du có diện tích 190 ha, bao gồm 10 hòn đảo, trong đó chỉ có 2 hòn có 3 ấp có dân sinh sống. Hòn Ngang có diện tích 59,5 ha, bao gồm 2 ấp là ấp An Phú và ấp An Bình. Hòn Mấu có diện tích 58,5 ha, có một ấp là ấp Hòn Mấu. Dân số của xã đảo Nam Du khoảng 3611 người, tập trung chủ yếu tại Hòn Ngang. Người dân trên các hòn, đảo thuộc xã Nam Du chủ yếu sống bằng nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, trong đó nuôi cá lồng bè (cá mú, cá bớp) là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch tại hòn Mấu, xã Nam Du với nhiều vẻ đẹp hoang sơ chưa được khai thác. Những năm gần đây du lịch tự phát ở quần đảo Nam Du nói chung, tại Hòn Lớn thuộc xã An Sơn nói riêng phát triển nhanh chóng, thu hút hàng chục ngàn lượt khách mỗi năm. Do phát triển tự phát và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân và du khách chưa cao nên nơi đây đang dần bị ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng không đáp ứng cũng là nguyên nhân phá hủy cảnh đẹp thiên nhiên.

Lồng bè nuôi cá trên biển ở quần đảo Nam Du. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN
Lồng bè nuôi cá trên biển ở quần đảo Nam Du. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Định hướng mô hình 

Từ phân tích đặc điểm chung và khu biệt của 3 xã đảo nêu trên, Tiến sĩ Lê Xuân Sinh đã nêu ra những định hướng xây dựng kinh tế xanh cụ thể, trong đó tùy thuộc điều kiện của mỗi đảo mà tương quan và nội dung trong mỗi hợp phần này sẽ có những thay đổi. Quy mô của mô hình kinh tế xanh có thể là mô hình hộ gia đình hay tập hợp kinh tế hộ gia đình thống nhất trong định hướng phát triển chung của cộng đồng cấp thôn, làng (làng sinh thái)…

Trước hết là xã đảo Việt Hải nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. Vì vậy mô hình kinh tế xanh có thể được định hướng là hướng đến mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp hữu cơ, tạo sinh kế bền vững cho người dân (nghề nghiệp chủ yếu là khai thác nguồn tài nguyên rừng và biển) là hướng đi cần thiết, mà cấp chính quyền xã Việt Hải và người dân ở đây đang mong muốn phát triển.

Xã đảo Nhơn Châu là xã đảo có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, có hệ sinh thái san hô đa dạng, có bãi biển đẹp và những tiềm năng về danh lam thắng cảnh cũng như các di tích lịch sử văn hóa Nhơn Châu hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn khách tham quan khi tới Bình Định nói chung và xã Nhơn Châu nói riêng. Mô hình khai thác thủy sản bền vững, liên kết với mô hình du lịch sinh thái, khai thác các tuyến, điểm du lịch biển, lặn ngầm, câu cá bên cạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao phục vụ nhu cầu tại chỗ là hướng đi cần xây dựng giúp chính quyền xã đảo phát triển xã Nhơn Châu, giữ chân người dân ở lại xây dựng đảo.

Cù Lao Xanh, xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Ly Kha - TTXVN
Cù Lao Xanh, xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, Bình Định.
Ảnh: Ly Kha - TTXVN

Xã đảo Nam Du là xã đảo có nhiều tiềm năng thiên nhiên, tài nguyên với với nhiều vẻ đẹp hoang sơ chưa được khai thác. Tuy vậy những năm gần đây nuôi trồng thủy sản bị thua lỗ do cá chết vì hiện tượng ô nhiễm môi trường. Do thiếu mô hình phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản sạch, mật độ giao thông thủy cao nên hiện tượng ô nhiễm về nước thải và chất thải rắn. Xây dựng và triển khai mô hình kinh tế xanh tổng hợp ở xã đảo Nam Du là vấn đề cấp bách nhằm bảo vệ các hệ sinh thái đang còn nguyên sơ, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sinh kế bền vững để hạn chế các nghề khai thác hủy hoại tài nguyên biển.
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm