Chuyển đổi trên 3.500 ha lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác

Chuyển đổi trên 3.500 ha lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác
Từ đầu năm đến nay tỉnh Đồng Tháp đã chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác với diện tích 3.570 ha; trong đó, một số cây chịu hạn như vừng, ngô, khoai lang, ớt, kiệu, sen,…
Trồng dưa hấu mùa khô mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN
Trồng dưa hấu mùa khô mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, việc chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, nhất là vào thời điểm khô hạn như hiện nay là nhằm góp phần tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt đứt dòng đời sâu bệnh trên cây lúa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xoá bỏ việc độc canh cây lúa góp phần quan trọng trong đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Bình quân trồng 1 ha hoa màu cho lợi nhuận tăng gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa, việc chuyển đổi sang trồng cây ăn trái sẽ cho lợi nhuận tăng gấp từ 3 – 8 lần so với trồng lúa. Cụ thể, lợi nhuận từ cây mít cho người nông dân thu về từ 90 đến 330 triệu đồng/ha/năm tăng gấp 3 - 11 lần so với trước đây. Cây chanh đem lại lợi nhuận cho người nông dân từ 92 -228 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 3 - 9 lần so với trồng lúa. Cây ổi Đài Loan cũng cho thu lợi nhuận từ 40 đến 200 triệu đồng/ha/năm tăng gấp 2 - 8 lần. Cây nhãn thu lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ha; cây thanh long thu lợi nhuận khoảng 110 triệu đồng/ha...

Anh Nguyễn Văn Hải ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười đã mạnh dạn chuyển 1 ha đất trồng lúa sang trồng mít Thái. Anh cho biết, trung bình mỗi tháng, mít Thái cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt trái với số lượng từ 500 kg đến 700 kg/ha, tính ra 1 năm anh thu lãi hơn 600 triệu đồng, với giá mít hiện nay anh có thể bán tại vườn từ 17-20.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Mười ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, vụ Đông Xuân 2019-2020 anh không làm lúa và chuyển sang trồng sen, với hơn 1ha sen lấy gương, sau 2,5 tháng cho thu hoạch, bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất 8 tấn/ha. Với giá 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lãi gần 100 triệu đồng, gấp 2-3 lần trồng lúa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang phối hợp với các huyện, thị và thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh triển khai đến các địa phương rà soát các vùng sản xuất hàng năm thường xuyên thiếu nước, khuyến khích sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây lúa và cây trồng cạn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nguyễn Văn Trí
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm