Biển đảo Việt Nam: Cà Mau với chiến lược vươn lên từ biển

Trung tâm thành phố Cà Mau. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Trung tâm thành phố Cà Mau. Ảnh: Thế Anh - TTXVN

Với lợi thế có bờ biển từ Ðông sang Tây và là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, từ lâu Cà Mau xác định phát triển kinh tế biển là hướng đi tất yếu và tạo đột phá chiến lược. Ðây là động lực cho các thành phần kinh tế, mở cánh cửa để giao thương, hội nhập khu vực cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng

Được xác định là 1 trong 3 cực phát triển kinh tế đô thị động lực của tỉnh Cà Mau, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời với thế mạnh về khai thác, đánh bắt thủy sản, không chỉ khẳng định vị trí mũi nhọn của địa phương mà còn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Những năm qua, địa phương luôn chú trọng duy trì đội tàu khai thác xa bờ, gắn với bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển nhanh và bền vững với tổng giá trị sản xuất thu về trên 712 tỷ đồng. Toàn thị trấn có 2.142 công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Năm 2020, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, thế nhưng nguồn thu ngân sách của thị trấn Sông Ðốc ước đạt 18,3 tỷ đồng, đạt 206,5%.

Ông Trần Quốc Lâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc chia sẻ, bên cạnh tiềm năng, lợi thế về khai thác biển, việc đưa vào vận hành tuyến cao tốc biển đầu tiên của tỉnh Cà Mau, từ Sông Ðốc đi đảo Nam Du - Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hứa hẹn sẽ góp phần bứt phá về du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng vẫn đang là thách thức lớn để nâng thị trấn Sông Ðốc thành đô thị động lực của tỉnh. Về vấn đề này, ông Trần Quốc Lâm chia sẻ thêm, tới đây dự án cầu bắc ngang sông Ông Ðốc sẽ được hoàn thành, khi đó hai bờ Nam - Bắc của thị trấn sẽ được kết nối, góp phần thúc đẩy giao thương, kinh tế của địa phương hứa hẹn sẽ khởi sắc, góp phần xây dựng, phát triển đô thị Sông Ðốc trở thành đô thị loại III vào năm 2025, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng ven biển. Ngoài ra, các đảo lớn có dân cư sinh sống có điện sinh hoạt, nước ngọt, trạm y tế, trường học và phương tiện ra, vào thường xuyên từ đất liền với đảo.

Rõ ràng, để kinh tế biển phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, việc đầu tư và phát triển hạ tầng vùng kinh tế biển được đặc biệt quan tâm, đi trước một bước. Theo kế hoạch, Cà Mau sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn, hạ tầng Khu công nghiệp Sông Ðốc theo mô hình Khu Công nghiệp - Ðô thị - Dịch vụ.

Biển đảo Việt Nam: Cà Mau với chiến lược vươn lên từ biển ảnh 1Trung tâm thành phố Cà Mau. Ảnh: Thế Anh - TTXVN


Điển hình như khu kinh tế Năm Căn (quy mô diện tích 10.802 ha) sẽ là khu kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng - an ninh và khu kinh tế tổng hợp, tạo kết nối với Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đáp ứng chuỗi phân phối quy mô khu vực và quốc tế với hệ thống cung ứng dịch vụ hậu cần cảng biển logistics. Bên cạnh thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn cũng được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phân kỳ đầu tư các đô thị loại V ở các huyện ven biển; ưu tiên đầu tư các cụm kinh tế ven biển: Tân Thuận (huyện Đầm Dơi), Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân), Ðá Bạc (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh); phát triển công nghiệp cơ khí, đóng, sửa chữa tàu, thuyền ở các cửa biển: Sông Ðốc, Khánh Hội, Rạch Gốc. Tỉnh rà soát, triển khai đầu tư xây dựng các điểm, cụm công nghiệp: Tân Thuận, Rạch Gốc, Cái Ðôi Vàm; đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu dân cư bờ Nam Sông Ðốc và các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư ở các huyện ven biển đã có quyết định lựa chọn nhà đầu tư.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện, xã, thị trấn ven biển, các đảo lớn cũng từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện, kết nối với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển. Các ngành kinh tế quan trọng: Kinh tế thủy sản, du lịch và dịch vụ, năng lượng tái tạo, công nghiệp và đô thị ven biển, kinh tế hàng hải được ưu tiên đầu tư có trọng điểm, lộ trình. Song song đó là xây dựng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nghề cá vùng ven biển để phục vụ các dịch vụ logistics; kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics theo quy hoạch đã được phê duyệt tại Hòa Trung, Năm Căn, Sông Ðốc, Hòn Khoai.

Phát triển đồng bộ nền kinh tế biển

Với vai trò là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, vùng biển Cà Mau có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại, có giá trị kinh tế cao. Song song đó, với một địa phương có 3 mặt giáp biển như tỉnh Cà Mau, nghề khai thác hải sản luôn được quan tâm, nên đã trở thành một trong những nghề mũi nhọn của tỉnh, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở các địa phương ven biển, đồng thời thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ hậu cần đi kèm khác, góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, bình quân sản lượng khai thác hằng năm đều đạt trên 200.000 tấn.

Trước tiềm năng, lợi thế to lớn đó, Cà Mau xác định phát triển kinh tế biển là hướng đi tất yếu và tạo đột phá chiến lược. Ðây là động lực cho các thành phần kinh tế, mở cánh cửa để giao thương, hội nhập khu vực cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ðiều này cũng nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 30/6/2020 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủy sản vẫn được định hướng là ngành mũi nhọn, động lực trong chiến lược phát triển kinh tế biển của địa phương. Theo đó, tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 là 800.000 tấn, tăng bình quân 2,17%/năm; trong đó sản lượng tôm là 360.000 tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến năm 2030 đạt 1.600 USD.

Bên cạnh ngư trường rộng lớn, đội tàu khai thác hùng hậu, trên 4.500 phương tiện, Cà Mau sẽ tổ chức lại sản xuất trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, môi trường tự nhiên và nguồn lợi hải sản theo hướng củng cố và phát triển các mô hình tổ, đội sản xuất, hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết vì lợi ích của ngư dân, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, gắn kết cộng đồng, ổn định xã hội vùng biển và hải đảo.

Tỉnh tạo điều kiện hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ mạnh để hoạt động khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương với các nước trong khu vực; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng đủ năng lực hoạt động dài ngày trên biển; gắn hoạt động khai thác hải sản với bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển. Địa phương đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; củng cố, phát triển ngành cơ khí đóng, sửa tàu cá, sản xuất lưới sợi, ngư cụ phục vụ khai thác thủy sản; sớm hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ, cứu nạn…

Phát huy kết quả là địa phương có diện tích, sản lượng tôm nuôi đứng đầu cả nước, Cà Mau tiến tới hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao. Tỉnh áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất giống, tập trung nguồn lực để tạo nguồn giống sạch bệnh, trước hết đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng; phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, các hình thức nuôi hữu cơ.

Ngành chức năng mở rộng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh, nhất là đối với các vùng nuôi tập trung; từng bước phát triển nuôi trồng các loại hải sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa.

Hướng ra biển, nghề nuôi thủy sản sẽ ưu tiên tập trung đầu tư vào hạ tầng sản xuất giống hải sản, vùng nuôi hải sản ven biển, đảo, có thể kể đến cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể và rong, tảo biển...

Ngoài ra, Cà Mau cũng khẩn trương rà soát, củng cố, hoàn thành, tạo sinh kế cho các khu tái định cư ven biển hiện có, đảm bảo cho dân sinh sống ổn định. Tỉnh sẽ tạo việc làm cho 25.000 lao động, trong đó giải quyết việc làm trực tiếp cho 24.000 lao động các huyện ven biển.

Lợi thế của Cà Mau là rất lớn, song thực tế hiện nay chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng. Do đó, để vươn ra biển và làm giàu từ biển, việc tập trung thu hút đầu tư nhằm phát triển hạ tầng, khai thác hiệu quả đa ngành nghề, đa lĩnh vực kết hợp… ngay từ bây giờ sẽ là một chiến lược quan trọng, tạo đà cho “mũi thuyền” của Việt Nam có thể rẽ sóng ra khơi.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm