Bí thư Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên

Bí thư Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Cuộc đối thoại tập trung vào một số vấn đề liên quan mật thiết đến đoàn viên thanh niên như: Trọng tâm Tháng thanh niên 2016 với chủ đề “Tự hào tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh”; thanh niên với xây dựng nông thôn mới; hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo và dạy nghề cho thanh niên; việc xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Thanh niên Việt Nam ở nước ngoài và một số vấn đề xã hội liên quan đến công tác thanh niên hiện nay.

 

Buổi đối thoại trực tuyến đã tiếp nhận khoảng 250 câu hỏi của đoàn viên, thanh niên cả nước thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có tới hơn 30% là các câu hỏi về vấn đề việc làm cho đoàn viên, thanh niên.

 

Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh thì việc làm là vấn đề được thanh niên rất quan tâm vì đây là vấn đề quan trọng với thanh niên, với thế hệ trẻ. Hiện nay một bộ phận thanh niên đang gặp khó khăn trong việc kiếm việc làm, trong đó có một bộ phận sinh viên ra trường. Một số thanh niên có công việc mà thu nhập chưa cao, nên việc làm là vấn đề nóng với thanh niên.

 

Giải đáp thắc mắc về định hướng của Đoàn Thanh niên trong vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường hiện nay, anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Theo thống kê của Viện Khoa học lao động xã hội, năm 2015, có trên 178.000 sinh viên thất nghiệp. Đây là vấn đề sinh viên rất quan tâm và Trung ương Đoàn kiến nghị Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn vào các Trung tâm nghiên cứu thị trường lao động. Việc hỗ trợ việc làm cần thường xuyên và dự báo chính xác kịp thời cho người dân và sinh viên.

 

Bên cạnh đó, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn mong muốn các bạn sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp để không chỉ tạo việc làm cho mình mà còn góp phần tạo việc làm cho người khác. Đối với những bạn sinh viên đang có thời gian, nhất là khi chưa tìm được việc làm, các bạn nên bổ sung thêm kiến thức về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Bởi vì thị trường lao động hiện nay đòi hỏi kiến thức khá lớn, rào cản ngoại ngữ khiến các bạn sẽ khó tiếp cận.

 

Về vấn đề khởi nghiệp cho thanh niên, anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Hiện nay, tỉ lệ khởi nghiệp trên tổng dân số Việt Nam mới là 2,4%, trong khi đó mức trung bình của thế giới là 12%. Như vậy tỉ lệ khởi nghiệp của Việt Nam chưa cao. Tâm lý chung của thanh niên và các gia đình hiện nay phần nhiều vẫn là sau khi ra trường sẽ đi tìm một công việc gì đó để làm, chưa có nhiều người có tâm lý sẽ khởi nghiệp. Hiện nay có rất nhiều bạn thanh niên nông thôn cũng đã tích cực tìm cho mình những cách làm kinh tế ở địa phương. Một số bạn có khả năng hơn đã mạnh dạn vay vốn để mở doanh nghiệp. Trong đó có nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua đã đưa ra chủ trương sẽ phát triển mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp quốc gia. Đoàn Thanh niên cũng đang xây dựng các dự án, các chương trình khởi nghiệp quốc gia cho thanh niên.

Buổi đối thoại trực tuyến đã tiếp nhận khoảng 250 câu hỏi của đoàn viên, thanh niên cả nước thông qua nhiều kênh khác nhau. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Buổi đối thoại trực tuyến đã tiếp nhận khoảng 250 câu hỏi của đoàn viên, thanh niên cả nước thông qua nhiều kênh khác nhau. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đối với băn khoăn của đoàn viên thanh niên về vấn đề Đoàn sẽ hỗ trợ gì để thanh niên khởi nghiệp, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp thì Đoàn có thể hỗ trợ một số việc. Thứ nhất kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về chính sách để các bạn trẻ thuận lợi trong quá trình khởi nghiệp. Thứ hai, hỗ trợ các bạn về khía cạnh pháp lý để các bạn trẻ hiểu được pháp luật, vận hành được doanh nghiệp hoặc mô hình kinh tế của mình theo đúng pháp luật. Thứ ba là cần hỗ trợ cho các bạn trẻ về kiến thức quản trị doanh nghiệp cũng như quản lý các mô hình kinh tế. Thứ tư hỗ trợ về vay vốn, về thông tin khoa học kỹ thuật để khởi nghiệp tốt và thành công.

 

Trả lời câu hỏi của các sinh viên đang theo học tại Liên bang Nga về vấn đề thể hiện lòng yêu nước đúng cách, anh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: Tình yêu nước được thể hiện ở những việc làm cụ thể. Với những bạn học tập ở nước ngoài thì thể hiện lòng yêu nước là nỗ lực học tập tốt để thành nguồn nhân lực tốt cho đất nước, trở thành những chuyên gia giỏi và trở về cống hiến cho đất nước. Thể hiện lòng yêu nước còn là đoàn kết, hỗ trợ nhau, tạo thành cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vững mạnh. Lòng yêu nước là một điều rất thiêng liêng, mong muốn người trẻ ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy hơn nữa - anh Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

 

Đối với nội dung Đoàn Thanh niên đã khai thác các ứng dụng, tiện ích của mạng xã hội để truyền tải thông tin và định hướng giáo dục cho thanh niên như thế nào, Trưởng ban Tuyên giáo của Trung ương Đoàn Lê Quang Tự Do cho biết: Đoàn thanh niên đã khai thác những tiện ích sử dụng trên mạng xã hội, hiện nay chúng tôi đang tập trung vào 3 vấn đề: Một là, Trung ương Đoàn cùng với các tỉnh, thành đoàn trên cả nước xây dựng những trang Facebook để tuyên truyền, giới thiệu về những thông tin hoạt động của Đoàn, của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Đội Thiếu niên tiền phong. Thứ hai là vận động cán bộ Đoàn xây dựng những sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội. Ví dụ như những bộ ảnh, những video clip đăng tải những bộ ảnh các hoạt động đoàn tại địa phương của mình. Thứ ba là kết nối với những bạn admin của các trang Facebook khác, những người nổi tiếng để cùng tham gia, đưa tin, tuyên truyền các hoạt động của tổ chức Đoàn. Đây là kênh thông tin hữu hiệu để có thể lan tỏa được rất nhiều thông tin về đoàn đến với giới trẻ một cách gần gũi.

 

Với câu hỏi từ đầu cầu Đồng Tháp về những hoạt động của Đoàn nhằm đồng hành khắc phục thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Trước tình hình thiên tai đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các cấp bộ Đoàn đã có kế hoạch, xây dựng và triển khai các giải pháp về công trình và phi công trình. Đoàn thanh niên ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang... đã có nhiều hoạt động như tình nguyện vận chuyển nước sạch cho người dân, cùng người dân chống hạn, ở một số địa bàn tích cực chuyển đổi sản xuất để thích ứng với ngập mặn, hạn hán.

 

Về lâu dài, Đoàn Thanh niên sẽ vận động thanh niên bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của chính quyền, nhân dân các địa phương tích cực các biện pháp trồng rừng ngập mặn, rừng chắn sóng, chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng để thích ứng với ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu./.

Có thể bạn quan tâm