Bí quyết nghề rèn của người Nùng Phúc Sen

Bí quyết nghề rèn của người Nùng Phúc Sen
Bí quyết riêng của người thợ cả
 
Ba anh em nhà “thợ cả” Lương Văn Cường vẫn không hề ngưng tay khi tiếp chuyện khách. Những gương mặt lấm lem, lưng áo đẫm mồ hôi, những đôi tay chai sần rắn chắc sắt quai búa dứt khoát. Anh Cường cho hay một ngày ba anh em làm được khoảng 10-15 sản phẩm dao và một số loại nông cụ.
 
Để làm ra một con dao sắc, theo anh Cường, người Nùng có những quy tắc bất thành văn. Bí quyết ấy bắt đầu từ nguyên liệu. Đồng bào thường dùng những miếng nhíp của ô tô đã hỏng, nếu được xe U oát là tốt nhất: "Nguyên liệu nhập sắt từ Vĩnh Phúc lên, có bãi xe nhập lại bán cho em".
 
Nhíp ô tô là loại chất thép 60, loại này không giòn, không dẻo, chứa nhiều cac-bon nên dao làm ra sẽ sắc và bền. Đây là chất liệu mà chỉ người Nùng An mới dùng để rèn dao, còn những nơi khác chỉ dùng sắt rồi bổ thép làm lưỡi.

Một điểm đặc biệt để những sản phẩm dao Phúc Sen bền tốt còn nằm ở nguyên liệu nung. Ở một số làng nghề khác, người ta lấy than đá nung, nhiệt độ cao thường làm cháy chất thép. Trong khi đó, người Nùng An chỉ dùng than từ những loại gỗ cứng như gỗ nghiến, giúp giữ nhiệt và than mau đỏ. Theo kinh nghiệm của ông Nông Văn Hiệp, một thợ rèn lành nghề, để giữ được nhiệt độ, lò phải xếp bằng đá, dùng rơm hoặc trấu trộn vào, tạo thành chất liệu xây lò, vừa chịu nhiệt vừa chắc chắn.

Để có một con dao tốt thì cần phải có một miếng sắt tốt. Ảnh: dantri.com
Để có một con dao tốt thì cần phải có một miếng sắt tốt. Ảnh: dantri.com

 Người thợ rèn cảm nhận sản phẩm bằng sự tinh tế của tai, mắt, của đôi tay người thợ, cùng kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Trong đó, bí quyết đặc biệt là rèn dao bằng mắt.
 
Rèn dao bằng mắt 

Những người già ở Phúc Sen kể lại cách đây hàng trăm năm, có một ông già không biết từ phương nào đi ngang qua, thấy đồng bào dân tộc Nùng hiền lành nhưng cuộc sống đói nghèo. Cảm thương nên ông lão quyết định dạy cho người dân cách rèn dao, cuốc và những công cụ lao động để họ có thể đi rừng.
 
Ông lão yêu cầu bà con phải luyện rèn đôi mắt đến độ “thành thần”, tinh thông, thì mới có thể điều chỉnh đôi bàn tay, cảm nhận tiêu chuẩn vật dụng qua mỗi ánh nhìn. Từ đó đến nay, đây được coi là yếu tố phân định thợ lành nghề ở Phúc Sen.
 
Theo ông Ngọc Văn Kim, lão nông ở xóm Pác Rằng: "Chủ yếu bằng mắt thôi, tai nghe mắt thấy, làm hơn chục năm rồi, dao nhỏ làm khoảng 50 phút, còn dao to khoảng 1 tiếng mới được. Hai tay đều sử dụng hết, đánh không đều là bật ra ngoài ngay".

Tạo hình chuôi dao. Ảnh: dantri.com
Tạo hình chuôi dao. Ảnh: dantri.com

 Từ những thanh nhíp ô tô, người thợ phải tính toán chọn chiếc nào, cắt ra kích cỡ bao nhiêu để đem vào lò nung. Những thanh thép được đưa vào lò nung khoảng 10 phút cho tới khi nóng đỏ. Tuy nhiên, thời gian chỉ là yếu tố tương đối, thép thế nào là được lại phải nhờ vào kinh nghiệm của người thợ rèn. Người thợ rèn phải dùng mắt để điều chỉnh đôi bàn tay quai búa, cảm nhận sản phẩm tới mức nào là đạt yêu cầu.
 
Với cách rèn thông thường, dao sẽ được hình thành từ phần chuôi trước rồi mới đến phần lưỡi. Nhưng người Nùng An thì ngược lại. Khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý, người ta mới trau chuốt đến phần chuôi. Lưỡi dao khi tôi chỗ vòng phải không già, không non, tôi đều lưỡi dao mới bén. Người có kỹ thuật cao mới làm được công đoạn này. Sau khi mài thô cho sạch xỉ và chỉnh lại những phần còn cong ở thân, dao được mài tay bằng đá khoảng 20 phút. Cho tới khi người thợ để tay vào, cảm nhận độ bám của lưỡi dao là được. 

Từ lâu, sản phẩm rèn của người Nùng ở Phúc Sen đã quen thuộc với dân vùng cao. Ảnh: baomoi.com
Từ lâu, sản phẩm rèn của người Nùng ở Phúc Sen đã quen thuộc với dân vùng cao. Ảnh: baomoi.com

 Một con dao tốt sau khi mài phải bóng, phần lưỡi qua nước tôi phải có 2 màu, 1 màu ánh xanh, 1 màu vàng nổi trên nền bóng của lưỡi dao. Lúc đó, con dao mới đạt yêu cầu về độ sắc và độ bền lên tới 5-10 năm.
 
Trong các công đoạn để rèn được một con dao, người Nùng quan trọng nhất nước tôi. Người ta dùng tro gỗ lim ngâm với nước vôi để qua đêm. Sáng hôm sau, họ chắt lấy thứ nước nổi ở bề mặt để làm nước tôi dao. Nước tôi chuẩn, trong, nhìn dao sẽ biết chính xác độ sắc.
 
Lưỡi dao được đưa nhanh, lướt qua mặt nước tôi. Chỉ ngập chừng 1-2 cm. Đây chính là phần lưỡi sắc của dao. Nước tôi có tốt thì lưỡi dao mới lâu cùn. Sau khi tôi, dao phải ngay lập tức đưa trở lại lò. Đây là giai đoạn quan trọng nhất mà chỉ người thợ cả mới có thể làm được, vì nếu mắt nhìn không chuẩn, sản phẩm sau này có thể bị dẻo do nung còn non, hay giòn do nung quá già.
 
Có người ví con dao ở Phúc Sen chặt cây lim, cây nghiến… ngọt như chém xuống nước, thậm chí có thể chặt thép mà không mẻ.
Theo vov4.vov.vn

Có thể bạn quan tâm