Bỉ phát triển thiết bị phân tích chất lượng nước bằng giấy

Phóng viên TTXVN tại Bỉ cho biết một nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học công giáo Louvain (UCLouvain) của nước này đã phát triển một thiết bị xét nghiệm bằng giấy có thể phân tích được chất lượng nước.

“Cha đẻ” của thiết bị này là Grégoire Le Brun, một kỹ sư công nghệ nano và công nghệ sinh học đã dành suốt 3 năm qua để nghiên cứu và hiện thực hóa ý tưởng sử dụng que thử làm bằng giấy để kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt. Que thử có cơ chế hoạt động rất đơn giản: Chỉ cần nhỏ vài giọt nước lên một cảm biến hoạt động giống như que thử thai hay que thử COVID-19 sẽ có ngay kết quả về chất lượng nước.

Phát biểu về sáng kiến của mình, Grégoire Le Brun – hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại UCLouvain – cho biết việc phát triển thiết bị phân tích chất lượng nước này nhằm 2 mục đích: vừa tìm ra giải pháp điện tử đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, vừa mang lại tác động xã hội mạnh mẽ. Vì thế, để giảm thiểu chi phí sinh thái và kinh tế của cảm biến, Grégoire Le Brun chọn giấy làm vật liệu cơ bản. Giấy được sử dụng là nitrocellulose, một loại cellulose dẫn xuất có các đặc tính sinh học đặc biệt, có khả năng bắt vi khuẩn và cho kết quả hiển thị chỉ sau vài giây nhờ một phép đo điện từ.

Đáng lưu ý là thiết bị xét nghiệm của Grégoire Le Brun có độ tin cậy tương tự như các phương pháp sinh học truyền thống hoặc các thiết bị đo điện tử nhưng giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí và rất thân thiện với môi trường. Ngoài ra trong tương lai, thiết bị không chỉ được dùng để phát hiện vi khuẩn và mầm bệnh trong nước sinh hoạt, mà còn có thể đánh giá được độ cứng của nước, độ pH và hàm lượng ion trong nước nếu như được cải tiến thêm. Không chỉ thế, thiết bị còn tạo thuận lợi cho việc truy cập thông tin về chất lượng nước ở các khu công nghiệp hóa, vùng sâu vùng xa, hoặc thậm chí ở những nơi khó khăn nhằm giảm thiểu rủi ro sức khỏe liên quan đến chất lượng nguồn nước.

Quỹ King Baudouin của Bỉ, chuyên hỗ trợ các nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ tuổi, đã trao giải Ernest du Bois trị giá 20.000 euro cho công trình nghiên cứu của Grégoire Le Brun. Dự kiến, que thử chất lượng nước bằng giấy của Grégoire Le Brun sẽ sớm được đưa vào thử nghiệm trong thực tế.

Hương Giang

Tin liên quan

Phát minh độc đáo giúp sạc điện thoại di động bằng nước nóng

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa phát triển công nghệ nhiệt điện trong không gian để biến ý tưởng sạc điện thoại di động chỉ bằng chai nước nóng thành hiện thực. Đây được xem là giải pháp bền vững trong bối cảnh các thiết bị công nghệ ngày càng phổ biến trong đời sống hàng ngày.


Độc đáo công nghệ chiết xuất nước uống từ không khí

Từ lâu, người dân sinh sống tại Dải Gaza - dải đất hẹp ven biển ở Trung Đông dọc Địa Trung Hải, luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước uống bởi đây là một trong những vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, với khoảng 1,4 triệu người sống trên khu vực diện tích 360 km².


Đột phá trong công nghệ lọc nước bẩn của Australia

Các nhà nghiên cứu Australia mới đây đã phát triển được loại màng rây siêu mỏng mới có thể hoàn toàn tách các ion độc hại khỏi nước như chì, thủy ngân, qua đó mở ra triển vọng làm sạch nguồn nước trên toàn cầu thông qua biện pháp lọc và các quy trình khử muối. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Science Advances. ​



Đề xuất