Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh tại Bến Tre

Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, hiện tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang tăng cao và sẽ diễn biến phức tạp nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Benh sot xuat huyet tang manh tai Ben Tre hinh anh 1Lực lượng thanh niên TP. Bến Tre diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: baodongkhoi.vn

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh cho biết, Bến Tre là một trong những tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết cao. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.708 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 820 ca so với cùng kỳ năm trước, không có trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra ở 9/9 huyện, thành phố, trong đó huyện Bình Đại 459 ca, thành phố Bến Tre 346 ca, Giồng Trôm 335 ca… huyện Ba Tri có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với 575 ca. 44 ca mắc sốt xuất huyết nặng, chiếm 1,6% tổng số ca mắc, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Oanh, nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết tăng cao là do đang trong thời điểm mùa mưa. Ngoài ra, Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn, người dân sử dụng nhiều dụng cụ trữ nước. Mặc dù, ngành chức năng đã truyền truyền, hướng dẫn nhưng một số hộ dân che đậy dụng cụ chứa nước chưa kỹ nên còn nhiều loăng quăng.

Hiện ngành chức năng tỉnh Bến Tre đang tiếp tục giám sát, kiểm tra, xử lý dịch sốt xuất huyết, kịp thời ngăn chặn không để xảy ra ổ dịch lớn và giám sát chiến dịch diệt loăng quăng ở các địa phương. Tuy nhiên, công tác diệt loăng quăng được triển khai chưa hiệu quả, mật độ lăng quăng giảm chưa đạt yêu cầu…Trong khi đó, dự báo bệnh sốt xuất huyết ở Bến Tre sẽ tiếp tăng do đặc thù của bệnh tăng vào mùa mưa.

Để hạn chế bệnh sốt xuất lây lan trên diện rộng, ngành Y tế tỉnh Bến Tre tiếp tục theo dõi diễn biến bệnh sốt xuất để phát hiện, phòng chống kịp thời và giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc sốt xuất huyết. Cụ thể, ngành Y tế thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, nhất là đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức cho người dân; thông tin tình hình dịch bệnh và cách phòng bệnh cho người dân. Ngành giám sát tại địa phương, cơ sở để phối hợp cùng các ban, ngành chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả; tiếp tục cập nhật, bổ sung các phác đồ điều trị mới theo cẩm nang của Bộ Y tế; xử lý các ổ dịch nhỏ, phun thuốc, diệt loăng quăng… không để xảy ra ổ dịch lớn; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và dịch truyền.

Sở Y tế tỉnh Bến Tre đề nghị cấp ủy, chính quyền các xã, đặc biệt là người đứng đầu nâng cao vai trò, trách nhiệm tăng cường sự chỉ đạo, điều hành tốt; kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, nhằm kéo giảm và khống chế thành công bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Công Trí

Tin liên quan

Số người mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 16/9 cho biết, tích lũy từ đầu năm đến ngày 15/9, cả nước ghi nhận 65.046 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm 32 trường hợp. Tuy nhiên, theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa, số mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng.


Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2020 đến nay, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên địa bàn, ngành Y tế Bình Thuận triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh.


Người mắc sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để điều trị

Tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp khi số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng dần. Dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, đỉnh dịch năm nay sẽ rơi vào tháng 10-11 với số người mắc không cao như những năm trước nhưng người dân không nên chủ quan với dịch bệnh này. Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo, khi mắc sốt xuất huyết, người dân cần đến cơ sở y tế để điều trị, tránh trường hợp lo ngại COVID-19 đưa vào bệnh viện quá muộn khiến bệnh có diễn tiến nguy hiểm.



Đề xuất