Bệnh nhân thuyên tắc ối đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được cứu sống nhờ kỹ thuật ECMO

Bệnh nhân thuyên tắc ối đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được cứu sống nhờ kỹ thuật ECMO
Bệnh nhân Trần Thị Ánh Đào đã tỉnh táo trở lại, chuẩn bị được tháo máy thở và ngưng điều trị bằng máy ECMO. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN
 Bệnh nhân Trần Thị Ánh Đào đã tỉnh táo trở lại, chuẩn bị được tháo máy thở và ngưng điều trị bằng máy ECMO. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN
Theo bác sĩ Mạch Văn Quang - Trưởng Khoa cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, tối 22/1, sản phụ Trần Thị Ánh Đào vào Bệnh viện Sản nhi Sóc Trăng chờ sinh con đầu lòng. Trong quá trình đau đẻ, bệnh nhân đột ngột khó thở dữ dội, tím tái, hôn mê, tụt huyết áp rồi choáng nặng, tử cung đờ. Ngay lập tức bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, hồi sức chống sốc, mổ bắt con khẩn cấp. Sản phụ được truyền nhiều đơn vị hồng cầu, huyết tương tươi... sau đó chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, không tự thở, choáng và rối loạn đông cầm máu nghiêm trọng. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho bệnh nhân thở máy, truyền máu và hồi sức chống sốc. Xác định đây là trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc ối mạch phổi hiếm gặp diễn biến tình trạng bệnh lý rất nghiêm trọng và phức tạp nên Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng đã chủ động liên hệ với các bác sĩ chuyên gia hàng đầu của Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp và hỗ trợ thực hiện kỹ thuật ECMO (trao đổi khí qua màng ngoài cơ thể). Đây là kỹ thuật điều trị hiện đại để cấp cứu bệnh tim, phổi nặng và chi phí cao. Diễn biến bệnh nhân trước khi điều trị ECMO càng trầm trọng hơn khi ngưng tim nhiều lần, các bác sĩ phải hồi sức ép tim gần như liên tục trong vòng 80 phút. Sau khi được tiến hành chạy ECMO khoảng 20 phút, tim bệnh nhân đập trở lại, huyết áp ổn định dần, oxy máu cải thiện rõ rệt; tiếp tục sử dụng ECMO để hỗ trợ các cơ quan nội tạng khác, kết quả đạt được theo bác sĩ Mạch Văn Quang là rất ngoạn mục. Ngày hôm sau bệnh nhân đã tỉnh trở lại. Sau 5 ngày điều trị ECMO, bệnh nhân đã bình phục gần như hoàn toàn và sáng 28/1, sau khi hội chẩn với bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Trần Thị Ánh Đào đã được cho ngưng điều trị kỹ thuật ECMO, bỏ máy thở, huyết áp bình thường. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị, theo dõi. Trao đổi với phóng viên ngày 28/1, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Lạc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cho biết thêm: Được sự hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng đã đầu tư hệ thống máy điều trị kỹ thuật cao ECMO từ 2 tháng trước. Đây là trường hợp điều trị đầu tiên bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng và đã cứu sống thành công bệnh nhân Trần Thị Ánh Đào. Trước đây, hầu hết các sản phụ bị thuyên tắc ối đều không qua khỏi. Việc điều trị thành công ca thuyên tắc ối thể nặng tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng lần này cũng là bệnh nhân đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được cứu sống bằng máy hỗ trợ ECMO, mở ra triển vọng trong điều trị các ca khó, hiếm gặp bằng các máy móc kỹ thuật cao tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Trung Hiếu

Có thể bạn quan tâm