Bến Tre xây dựng các mô hình sinh kế bền vững

Bến Tre xây dựng các mô hình sinh kế bền vững

Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Dự án AMD) được Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp (gọi tắt là IFAD) tài trợ. Dự án được triển khai tại 30 xã chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thuộc 8 huyện của tỉnh Bến Tre với mục tiêu nâng cao năng lực thích ứng cho cộng đồng và các tổ, nhóm mục tiêu để thích ứng tố hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho người nghèo nông thôn trong điều kiện môi trường khí hậu thay đổi.

Từ năm 2014 - 2020, Dự án AMD đã tác động đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường ở các địa phương; huy động nguồn lực để phát triển kinh tế, kéo giảm 44,6% tỷ lệ hộ nghèo ở 30 xã; hỗ trợ gần 13.500 hộ nghèo, cận nghèo tăng thu nhập.

Trong 6 năm thực hiện, có 8 nghiên cứu ứng dụng và mô hình canh tác cho nông dân tham gia sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được thực hiện; các kiến thức, mô hình thích ứng thành công được hệ thống hóa, phổ biến áp dụng, nhân rộng; năng lực sản xuất và xử lý giống nông nghiệp (nhất là giống tôm) được cải thiện; có 4 mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu khả thi được áp dụng bởi hơn 400 hộ gia đình nghèo và cận nghèo.

Bến Tre xây dựng các mô hình sinh kế bền vững ảnh 1Dự án hỗ trợ cho người dân nghèo huyện Thạnh Phú nuôi cua biển. Ảnh: amdbentre.vn

Theo ông Hồ Văn Thiệt, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu đã góp phần tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông, lâm thủy sản, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đặc biệt ở các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa để có sự chuyển biến nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm dần khoảng cách về mức sống giữa các vùng nông thôn, giữa nông thôn với thành thị.

Các mô hình hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả giúp bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Đồng thời, mô hình đã tạo mối liên kết rất tốt giữa các hộ trong Dự án chia sẻ kinh nghiệm, tạo công ăn việc làm thường xuyên và tạo thu nhập tốt cho hộ khi chuyển đổi từ đất lúa 3 vụ sang trồng rau màu, người dân có ý thức sử dụng hạt giống có chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, chống chịu tốt.

Trong khi đó, sau 6 năm nhận được sự hỗ trợ từ Dự án AMD, Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đã có sự phát triển về quy mô rõ rệt, đã triển khai thực hiện việc cung cấp dịch vụ tài chính tới các khách hàng mục tiêu trên 30 dự án đạt 100% kế hoạch đề ra. Sản phẩm chủ lực của Quỹ là những món vay nhỏ, phù hợp với thu nhập thấp của người dân nông thôn, đặc biệt là phù hợp với nhu cầu của chị em cần vốn để thay đổi vật nuôi, cây trồng nhằm ứng phó với nước mặn ngày càng xâm nhập sâu, rộng.

Trong thời gian qua, Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đã giúp cho 10.000 lượt khách hàng mục tiêu tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh hộ (trong đó, phụ nữ chiếm 89%; hộ nghèo, cận nghèo chiếm 35 - 40%).

Tính đến cuối tháng 10/2020, còn gần 5.000 khách hàng đang dư nợ của Dự án AMD, tổng dư nợ vay trên 34 tỷ đồng. Các chị em vay vốn đầu tư vào mục đích trồng trọt chiếm, chăn nuôi chiếm, buôn bán nhỏ chiếm, đầu tư dịch vụ tiểu thủ công nghiệp.

Đặc biệt, để góp phần thực hiện phong trào Đồng khởi khởi nghiệp, phong trào hỗ trợ phụ nữ tự tin khởi nghiệp, Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đã tạo điều kiện cho các phụ nữ làm thuê có khả năng phát triển các tổ sản xuất, tổ đa dạng; cho các tổ hợp tác vay ưu đãi;...

Bà Nguyễn Thị Thu Ba, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre cho biết trên 99% khách hàng vay vốn từ Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đều có thu nhập tăng lên đáng kể, thể hiện việc các chị em đã trả được vốn hàng tháng và gửi tiết kiện trong Quỹ số tiền trên 11 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm là nguồn lớn bổ sung vào nguồn vốn của Quỹ để giúp cho nhiều chị em khác được vay vốn. Rất nhiều chị em đã thay đổi được hoàn cảnh kinh tế gia đình, gần 500 thành viên thoát nghèo, 617 hộ chuyển loại hộ nghèo.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án AMD đã góp phần quan trọng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh; hướng các hoạt động của Dự án đến đúng đối tượng, mục tiêu đó là hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và hộ khó khăn dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu.

Sau thời gian hoạt động ở Bến Tre, Dự án AMD đã có những tác động tích cực đến khu vực nông thôn, nhiều địa phương trong vùng mục tiêu Dự án đã có những thay đổi đáng kể trên tất cả các mặt kinh tế xã hội; ý thức, năng lực, phương thức sản xuất thay đổi theo hướng tích cực chuyển từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, tăng quy mô, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường; tỷ lệ hộ nghèo của các xã trong vùng dự án có tốc độ giảm nhanh hơn các xã ngoài vùng dự án và thu nhập người dân được nâng lên rõ rệt.

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ xem xét lồng ghép, nhân rộng, lan tỏa những thành quả Dự án AMD đã đạt được trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

Trần Thị Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm