Bến Tre nhộn nhịp làng nghề vào vụ Tết

Bến Tre nhộn nhịp làng nghề vào vụ Tết
Công đoạn tráng bánh tráng thủ công. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
 Công đoạn tráng bánh tráng thủ công. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Những ngày này, khu vực ngã ba Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng, ở đâu cũng nghe âm thanh “thình thịch” của tiếng chày quết bánh phồng. Không khí làm việc tất bật khẩn trương, ai làm việc nấy. Người thì nấu nếp, nấu mì quết bánh, kẻ vắt nước cốt dừa hoặc cán bánh. Những chiếc bánh phồng nếp (làm từ gạo nếp), bánh phồng mì (làm từ bột sắn) thơm ngon được tạo nên từ những bàn tay khéo léo, cần mẫn đã mang hương vị tết đi khắp gần xa.

Anh Lê Trúc Lâm, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm cho biết, trước đây, gia đình anh chỉ làm bánh mùa vụ tết nhưng sau đó trở thành nghề chính, làm bánh quanh năm. Gia đình chủ yếu làm bánh phồng mì, bánh phồng mì trét chuối… Lúc trước, tất cả các công đoạn chủ yếu làm bằng tay, do đó năng suất thấp, chất lượng bánh không được đồng đều.

Khoảng 5 năm trở lại đây, các ngành chức năng hỗ trợ vốn cho các hộ đầu tư dụng cụ, máy móc nên năng suất tăng lên nhiều lần. Nếu cán bánh bằng tay thì phải 8 người làm trong 1 giờ đồng hồ mới được 300 cái. Nhưng cán bánh bằng máy thì chỉ cần 3 nhân công làm trong 5 phút. Trung bình mỗi ngày, gia đình anh Lâm làm từ 7.000-8.000 cái bánh, vào dịp tết, sản lượng tăng gấp đôi. Hiện tại anh Lâm đầu tư hơn 200 triệu đồng trang bị máy cán bánh, máy quết bánh, máy sấy, máy ép chân không để bảo đảm vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sản xuất bánh phồng làng nghề Sơn Đốc. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu – TTXVN
Sản xuất bánh phồng làng nghề Sơn Đốc. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu – TTXVN

Bánh phồng Sơn Đốc hiện có nhiều loại như: bánh nếp, bánh hành, bánh vừng, bánh sữa trứng gà, bánh đậu xanh, bánh mít; bánh mặn thì có bánh tôm khô; đồng thời có nhiều kích cỡ tùy theo yêu cầu của khách hàng nên giá tiền cũng khác nhau. Loại bánh lớn và ngon nhất có giá dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/10 bánh.

Với làng nghề làm bánh tráng, vào dịp tết, nhà nhà đều tất bật huy động thêm nhân công. Chị Phan Thị Thu, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm cho biết, hiện gia đình sử dụng máy móc để sản xuất các công đoạn như: xay bột, ép nước cốt dừa… nhưng việc đổ bánh vẫn phải làm bằng tay. Do đó, chị Thu phải thuê thêm 2 nhân công làm phụ để đủ bánh giao cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị sản xuất từ 700 đến 800 bánh gồm 3 loại: loại bình thường, loại nước cốt dừa nhiều (loại béo) và thêm loại sữa trứng gà.

Kiểm tra độ khô bánh phồng Sơn Đốc. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Kiểm tra độ khô bánh phồng Sơn Đốc. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Theo chị Thu, trong khâu làm bánh, phần nêm và khuấy bột rất quan trọng để tạo nên hương vị bánh ngon. Ngoài ra, cũng phải kết hợp tốt với các khâu còn lại: tráng bánh cho đẹp và phơi bánh đủ độ nắng để cho ra chiếc bánh hoàn hảo nhất. Thị trường dịp tết năm nay hút hàng, nhiều thương lái đến đặt nhưng làm không đủ để cung ứng.

Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Giồng Trôm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc có hơn 200 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm cho hơn 800 lao động tại địa phương. Sản lượng hàng hơn 130 triệu cái/năm, doanh thu hơn 60 tỷ đồng/năm. Sản phẩm bánh bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc đã có mặt trên thị trường các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khu vực miền Trung…

Ông Phạm Văn Trung, Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Giồng Trôm cho biết: thời gian tới, ngành chức năng hỗ trợ các làng nghề xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Nhờ hỗ trợ đầu tư thiết bị, máy móc…, các hộ sản xuất sẽ tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Địa phương cũng hướng dẫn người dân liên kết với các công ty du lịch tạo điểm đến tham quan cho du khách, góp phần quảng bá sản phẩm, hình ảnh làng nghề.
Huỳnh Phúc Hậu 

Có thể bạn quan tâm