Bến Tre nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh phòng sâu đầu đen hại dừa

Hướng dẫn người dân nhân nuôi ong ký sinh. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Hướng dẫn người dân nhân nuôi ong ký sinh. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Ngày 28/7, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre ông Huỳnh Quang Đức cho biết, ngành chức năng đang tập trung hướng dẫn người dân nhân rộng mô hình nhân nuôi, phóng thích ong ký sinh nhằm góp phần kiểm soát sâu đầu đen hạn chế diện tích lây lan mới, đồng thời tăng dần diện tích vườn dừa phục hồi trên địa bàn.

Bến Tre nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh phòng sâu đầu đen hại dừa ảnh 1Hướng dẫn người dân nhân nuôi ong ký sinh. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, để đạt hiệu quả tốt nhất ít gây ảnh hưởng đến môi trường, trong việc phòng trừ sâu đầu đen gây hại cho cây dừa bằng cách áp dụng các giải pháp sinh học; trong đó, giải pháp nhân nuôi, phóng thích ong ký sinh tạo nguồn thiên địch phòng trừ sâu đầu đen là giải pháp đạt hiệu quả tốt nhất.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo, người dân tham gia các nhóm, tổ cùng nhau nhân nuôi nhiều ong ký sinh để thả ra môi trường, khi đó tạo thiên địch bảo vệ các vườn dừa khi bị sâu đầu đen tấn công.

Đến nay, tỉnh phóng thích hơn 30 triệu con ong ký sinh trên nhộng và ấu trùng sâu đầu đen, nhân nuôi tại phòng thí nghiệm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Giống và Hoa kiểng, trạm bảo vệ thực vật các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm và Châu Thành. Tại các huyện tiến hành chuyển giao kỹ thuật nhân nuôi ong ký sinh cho người dân, thành lập các tổ, nhóm người dân nhân nuôi ong ký sinh.

Bến Tre nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh phòng sâu đầu đen hại dừa ảnh 2Hướng dẫn người dân nhân nuôi ong ký sinh. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Đặc biệt, tỉnh phóng thích ong ký sinh tại các mô hình đã thực hiện trước đó và các vườn dừa mới phát hiện nhằm kiểm soát tốt không để lây lan thêm. Đến cuối năm 2022, tỉnh dự kiến phóng thích thêm 25 triệu ong ký sinh trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen trong mô hình thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Bến Tre tiếp tục điều tra phát hiện diện tích bị lây lan mới để kịp thời thực hiện phòng trị bằng biện pháp tổng hợp không để lây lan diện rộng. Cùng với đó, phối hợp cơ quan đoàn thể, địa phương tuyên truyền vận động nông dân tích cực chăm sóc vườn dừa, sớm phát hiện triệu chứng gây hại sâu đầu đen và thực hiện đúng biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo.

Tỉnh tăng cường vận động nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít độc, không pha trộn nhiều hoạt chất và thuốc phổ rộng nhằm bảo vệ thiên địch đã phóng thích hoặc có sẵn ngoài tự nhiên.

Bến Tre nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh phòng sâu đầu đen hại dừa ảnh 3Hướng dẫn người dân nhân nuôi ong ký sinh. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Ông Phạm Văn Thạch tại xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre cho hay, gia đình có vườn dừa hơn 8.000m2, các khu lân cận đã bị sâu đầu đen gây hại. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, vườn dừa gia đình áp dụng trông theo hướng hữu cơ, áp dụng biện pháp sinh học phòng trừ sâu đầu đen gây hại. Hiện tại ông Thạch cùng các hộ dân trong khu vực học cách nhân nuôi ong ký sinh để thả ra vườn dừa tạo nguồn thiên địch phòng chống sâu đầu đen gây hại cho vườn dừa của gia đình.

Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho hay, hiện chi cục phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh xây dựng nhiều mô hình phóng thích ong ký sinh kiểm soát sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Qua đánh giá chung, đa số các mô hình có hiệu quả, các vườn dừa đã dần phục hồi sinh trưởng. Việc nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh khá thành công, đang từng bước tự chủ được nguồn ong ký sinh phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn.

Ngoài ra, các trạm bảo vệ thực vật cũng đã triển khai nhân nuôi ong ký sinh đến nông dân và được địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Tại Châu Thành đã có một số hộ dân ở xã Phước Thạnh nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh khá thành công, góp phần quản lý tốt vườn dừa nằm trong khu vực nhiễm sâu đầu đen mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bến Tre nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh phòng sâu đầu đen hại dừa ảnh 4Hướng dẫn người dân nhân nuôi ong ký sinh. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Tại thời điểm này, tỉnh Bến Tre ghi nhận tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen hơn 681 ha; diện tích phục hồi hơn 448 ha. Tính từ tháng 7/2020 đến nay, tổng diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen lũy kế là hơn 1.100 ha.

Huỳnh Phúc Hậu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm