Bến Tre đem nghề đến với phụ nữ nông thôn

Bến Tre đem nghề đến với phụ nữ nông thôn

Những năm gần đây, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm cải thiện đời sống kinh tế, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững.

Bến Tre đem nghề đến với phụ nữ nông thôn ảnh 1Nghề đan sản phẩm từ dây nhựa giúp phụ nữ nông thôn tăng thu nhập. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Từ chỗ chỉ biết làm nghề nông và lo nội trợ, chị Trương Thị Kim Thoa ở ấp Định Lễ, xã Phú Đức, Châu Thành, đã trở thành thợ “lành nghề” tại một cơ sở đan lát dây nhựa của chị Trần Kim Thơ với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Chị Thoa cho biết, “điểm hẹn” đan lát này của hơn 20 phụ nữ trong xã, chỉ cách nhà chị khoảng 500 m. Không phải đi xa nên ngoài thời gian đan lát, chị vẫn chu toàn việc nhà.

Chị Thoa tâm sự, với phụ nữ nông thôn, thời gian nhàn rỗi nhiều, trong khi khó có thể đi làm thêm công việc nơi khác do còn lo con cái, gia đình. Từ ngày có nghề đan lát tại địa phương, chị được trực tiếp dạy nghề theo kiểu "cầm tay, chỉ việc". Lúc đầu chưa quen nhưng chỉ trong thời gian ngắn, các chị em đã thạo nghề, có thu nhập đáng kể nhờ số lượng sản phẩm làm ra. Trung bình chị Thoa thu nhập từ 150 – 200 nghìn đồng/ngày. Chị Thoa vui mừng cho biết, các chị em ở đây không ai phải bỏ ruộng vườn, công việc chăn nuôi. Thậm chí, có lương ổn định, các chị thuê thêm người làm phụ nên việc sản xuất nông nghiệp hoàn thành nhanh chóng, lợi cả đôi đường.

Theo chân chị Thoa đến “điểm hẹn” đan lát tại cơ sở của chị Trần Kim Thơ, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của phụ nữ xã Phú Đức khi có thêm nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính. Tay các chị thoăn thoắt làm trong khi miệng vẫn nói cười rôm rả.

Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Kim Thơ cho biết, thông thường, sau 2 – 3 ngày “thử việc” và biết cách đan lát, các chị em sẽ nhận dây và khung về nhà hoặc tập trung tại nhà chị để làm cho vui. Đa phần, khi rảnh rỗi, họ đều trực tiếp đến nhà chị để làm, vì ở đây có đầy đủ các trang thiết bị giúp tăng lượng sản phẩm, vừa được trò chuyện cùng các chị, em.

Bến Tre đem nghề đến với phụ nữ nông thôn ảnh 2Nghề đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ giúp đông đảo phụ nữ nông thôn tham gia sản xuất. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Theo chị Thơ, đến nay đã có hơn 50 chị em tham gia mô hình đan lát dây nhựa. Các sản phẩm của cơ sở chủ yếu là giỏ, bàn, ghế, vật dụng trong gia đình… Nguyên liệu do nhà sản xuất cung cấp, chị em chỉ việc đan theo mẫu. Công việc không quá nặng nhọc nhưng có thu nhập ổn định và tận dụng được thời gian nhàn rỗi, phù hợp phụ nữ nông thôn nên được chị em hưởng ứng.

Tại Giồng Trôm – huyện thuần nông của tỉnh Bến Tre, nhu cầu lao động cần được đào tạo nghề luôn là đòi hỏi bức thiết và là một trong những chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Để đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ, thời gian qua, huyện đã tiến hành khảo sát, lựa chọn các nghề phù hợp, hiệu quả, mang tính bền vững, có khả năng thu hút nhiều lao động tại địa phương để dạy nghề và tạo việc làm. Chỉ riêng trong năm 2021, Giồng Trôm đã mở 7 lớp đào tạo nghề cho phụ nữ, trong đó có 4 lớp dạy nghề đan lát, 1 lớp dạy may gia công, 1 lớp dạy kỹ thuật trồng dừa, 1 lớp dạy bó chổi bông cỏ, thu hút khoảng 130 học viên tham gia.

Từng là hộ nghèo, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào lương thợ hồ “nay có, mai không” của chồng, chị Lê Thị Yến Dân (sinh năm 1978) ngụ xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, được Hội Phụ nữ xã vận động tham gia lớp học nghề đan giỏ nhựa. Sau khi kiếm thêm thu nhập bằng nghề “làm chơi, ăn thiệt”, bằng ý chí lao động cần cù và tay nghề đã được đào tạo, chị Dân còn mạnh dạn thành lập tổ gia công các sản phẩm phi nông nghiệp, truyền dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Riêng gia đình chị Dân đã vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2018.

Chị Dân kể, học nghề xong, chị cùng một số chị em trong xóm thành lập nhóm, lấy hàng về làm đơn lẻ. Sau này, tìm được nguồn kết nối với doanh nghiệp cung cấp hàng để gia công, chị tiếp tục mở rộng thành tổ đan giỏ với 14 thành viên, trong đó có phụ nữ của 8 hộ nghèo. Sau khi được đào tạo, các thành viên trong tổ có thu nhập ổn định từ việc gia công các sản phẩm xuất khẩu, trung bình từ 1,5 - 4 triệu đồng/tháng. Có công việc ổn định, ngày càng nhiều chị em tham gia tổ đan giỏ nhựa, các sản phẩm mỹ nghệ bằng lục bình, cọng dừa của chị Dân. Đến nay, tổ sản xuất của chị Dân có khoảng 50 – 70 lao động thường xuyên, đến từ các xã Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông, Hưng Nhượng..., trong đó có 30 chị thuộc hộ nghèo.

Theo chị Dân, xuất phát từ cái nghèo, chị hiểu sự ổn định về kinh tế có giá trị như thế nào trong việc thực hiện bình đẳng giới. Do vậy, với vai trò tổ trưởng, chị luôn mong muốn chia sẻ kiến thức, kỹ năng của mình với chị em phụ nữ nông thôn, qua đó giúp họ có việc làm, cải thiện đời sống kinh tế, vươn lên khá giả, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Với tâm huyết của mình, chị đã truyền nghề tại 5 lớp, với gần 130 phụ nữ tham gia từ cuối năm 2018 đến nay, trong đó phần lớn là phụ nữ trung tuổi và làm nội trợ. Để đảm bảo nguồn thu nhập cho chị em sau đào tạo, chị Dân đã chủ động tìm nguồn hàng và đơn vị bao tiêu các sản phẩm tổ sản xuất làm ra. Trong thời gian tới, tổ sản xuất sẽ lập quỹ tương trợ để chị em có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau thực hiện các mô hình phát triển kinh tế khác như chăn nuôi, mua bán để tăng thu nhập.

Qua thống kê, trong 5 năm (2016 – 2021), các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát huy nội lực của chị em trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Ngoài ra, các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, tăng cường phối hợp đào tạo sát với yêu cầu thị trường đã giúp tư vấn kết nối, giới thiệu việc làm cho hơn 58.000 lao động nữ. Các hoạt động truyền thông, tư vấn giới thiệu đi xuất khẩu lao động các nước có gần 1.300 lao động tham gia. Hơn 18.000 lao động nữ được tổ chức truyền nghề, sau đào tạo có gần 16.000 chị có việc làm ổn định.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ nông thôn là đòn bẩy tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Xác định nhiệm vụ quan trọng đó, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn, qua đó tạo điều kiện cho lao động nữ nông thôn được tiếp cận, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. Không chỉ vậy, các cấp Hội còn thông tin, phổ biến và vận động hội viên, phụ nữ tham gia “Sàn giao dịch việc làm” của tỉnh để tìm cơ hội việc làm phù hợp tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, khu công nghiệp, để có mức thu nhập đảm bảo đời sống...

Trong thời gian tới, để nâng cao năng lực làm chủ kinh tế cho phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ sẽ tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu lao động nữ vào làm việc; hỗ trợ vốn cho hội viên khó khăn vay phát triển nghề đã học. Hội xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; gắn công tác dạy nghề cho lao động nữ với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm, tạo cơ hội để chị em phát huy khả năng phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định và nâng cao vị thế của mình trong xã hội.

Chương Đài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm