Bến Tre chuyển đổi sản xuất gắn với thích ứng biến đổi khí hậu

Bến Tre chuyển đổi sản xuất gắn với thích ứng biến đổi khí hậu
Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre. Ảnh : Trương Công Trí - TTXVN
Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre.
Ảnh : 
Trương Công Trí - TTXVN
Nâng cao giá trị sản xuất Thời gian qua, Bến Tre đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng giảm tỷ trọng của khu vực I (nông-lâm-ngư nghiệp), tăng tỷ trọng của khu vực II (công nghiệp và xây dựng) và III (dịch vụ). Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững góp phần nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích; đặc biệt là các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng được nhân rộng. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đến nay diện tích canh tác lúa của Bến Tre giảm hơn 10.000 ha để chuyển sang nuôi thủy sản ở vùng mặn, trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn và đất phi nông nghiệp. Cùng đó, diện tích dừa tăng từ 68.200 ha năm 2015 lên gần 71.000 ha năm 2018; diện tích cây ăn trái từ 27.600 lên 28.200 ha. Đáng chú ý, cơ cấu chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng số lượng và chất lượng đàn bò, đàn bò sữa tăng nhanh; đàn gia súc và gia cầm được duy trì; cơ cấu nuôi và khai thác thủy sản chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả. Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn chuyển đổi khoảng 3.500 ha đất mía kém hiệu quả sang trồng dừa. Theo anh Nguyễn Văn Hiệp, trú tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), nếu gia đình anh không quyết định chuyển đổi hơn 6.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa xen bưởi, trồng cỏ nuôi bò, thì cuộc sống gia đình anh sẽ còn khó khăn. Vì trước đây toàn bộ diện tích anh Hiệp canh tác lúa, do vùng đất trũng bị ngập úng, bên cạnh đó xâm nhập mặn kéo dài nên mỗi năm anh làm chỉ 2 vụ, năng suất thấp. Cụ thể gia đình anh Hiệp đã chuyển đổi trước 3.000 m2 đất lên liếp trồng dừa xiêm xanh xen bưởi da xanh và trồng cỏ nuôi bò và gia đình anh Hiệp vẫn giữ một phần đất để sản xuất lúa. Sau đợt hạn mặn năm 2016, diện tích trồng lúa bị mất trắng, nên gia đình anh Hiệp chuyển đổi diện tích lúa còn lại để trồng dừa, cỏ nuôi bò.
Bến Tre tập trung xây dựng chuỗi giá trị dừa. Ảnh: Trương Công Trí - TTXVN
Bến Tre tập trung xây dựng chuỗi giá trị dừa. Ảnh: Trương Công Trí - TTXVN
Anh Hiệp cho chia sẻ, hiện nay diện tích dừa xiêm xanh trồng trước đó đã cho trái ổn định. Bên cạnh đó, gia đình anh trồng xen bưởi da xanh đã cho trái, diện tích dừa trồng sau này đang phát triển tốt. Ngoài ra, gia đình anh Hiệp đã đầu tư bờ bao xung quanh vườn để chủ động nước tưới, tránh nước mặn xâm nhập vào mùa khô. So với trồng lúa thu nhập hiện nay của gia đình ổn định và cao hơn trước đây, trung bình mỗi năm thu nhập từ vườn dừa và chăn nuôi bò của gia đình hơn 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đánh giá, thời gian qua, cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thủy lợi của địa phương. Tỉnh chủ trương giảm diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng dừa, cây ăn trái và các loại cây trồng khác hiệu quả hơn. Đáng chú y, tỉnh Bến Tre đã xây dựng và nhân rộng một số mô hình sản xuất, mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao gắn sản xuất với thị trường như: Mô hình chuỗi giá trị lúa sạch Thạnh Phú của Hợp tác xã Lúa-Tôm Thạnh Phú, với 82 thành viên, tổng diện tích sản xuất gần 100 ha, với sản lượng khoảng 5 tấn/ha; mô hình tổ chức nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa thương phẩm nhằm xây dựng các tổ liên kết trên địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam; mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại huyện Thạnh Phú, lợi nhuận bình quân 35 triệu đồng/ha, thời gian nuôi khoảng 6 tháng.Chuyển đổi sản xuất theo vùng chuyên canh Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, do vậy Bến Tre đang tập trung triển khai nhiều giải pháp căn cơ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một gay gắt, nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, tỉnh Bến Tre đã cụ thể hóa Nghị quyết 120/NQ-CP 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, theo đó tỉnh đã chuyển đổi sản xuất tập trung phát triển theo vùng chuyên canh. Qua hơn một năm triển khai, nhận thức của các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp về phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng được nâng lên. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ được chú trọng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập nhìn nhận, việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình như sản xuất phần lớn còn quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, thiếu liên kết dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao; sạt lở bờ sông, bờ biển còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu này càng gay gắt, nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế. Để khắc phục những hạn chế trên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, thời gian tới, tỉnh thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để thực hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Cụ thể, tỉnh Bến Tre chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế vườn và biển, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu trên cơ sở khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất linh hoạt, hiệu quả theo hướng gắn với diễn biến hạn mặn và biến đổi khí hậu. Bến Tre tập trung phát triển các sản phẩm có tính chiến lược và đặc thù của tỉnh là tôm, cá, vườn dừa, cây ăn trái và hoa kiểng. Tỉnh duy trì và ổn định diện tích chuyên canh lúa là 16.500 ha và chuyển canh tác lúa từ 3 vụ xuống còn 2 vụ/năm, nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn mùa khô, đồng thời thực hiện luân canh trồng các loại rau màu, thủy sản hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả trên đất trồng lúa.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2 giai đoạn tại Bến Tre. Ảnh:Trương Công Trí - TTXVN
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2 giai đoạn tại Bến Tre.
Ảnh:
Trương Công Trí - TTXVN
Thêm vào đó, Bến Tre tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; rà soát, bổ sung kịp thời các quy hoạch sản xuất nông nghiệp liên quan trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ở vùng nước mặn, nước lợ, tỉnh phát huy lợi thế kinh tế biển như: tập trung nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm rừng, tôm lúa... Đồng thời, tập trung triển khai xây dựng hệ thống đê ven sông, hệ thống thủy lợi để đảm bảo phát triển nông nghiệp và theo quy hoạch của vùng nước ngọt để phát triển các vùng chuyên canh cây dừa, cây ăn trái... Ngoài ra, Bến Tre cũng sẽ chuyển đổi diện tích sản xuất muối ở các huyện Bình Đại và Ba Tri để chuyển sang nuôi thủy sản và phát triển năng lượng mặt trời. Một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, vườn tạp sẽ chuyển sang trồng dừa, cây ăn trái nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công Trí

Có thể bạn quan tâm