Bến Tre áp dụng các giải pháp phòng, trừ sâu đầu đen hại dừa

Sâu đầu đen sinh sản trên lá dừa. Ảnh : TTXVN
Sâu đầu đen sinh sản trên lá dừa. Ảnh : TTXVN

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/2020 ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, đến nay sâu đầu đen đã lan rộng, tấn công gần 60ha vườn dừa ở 6 huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre. Ngành nông nghiệp tỉnh đang áp dụng một số giải pháp tạm thời để tránh bùng phát dịch; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị để nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu hiệu quả nhất.

Bến Tre áp dụng các giải pháp phòng, trừ sâu đầu đen hại dừa ảnh 1Sâu đầu đen sinh sản trên lá dừa. Ảnh: TTXVN

Bến Tre hiện có khoảng 73.000 ha đất trồng dừa, với sản lượng khoảng 600 triệu trái/năm. Cây dừa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đang mở rộng diện tích trồng dừa hữu cơ nên ngành nông nghiệp rất cân nhắc chọn giải pháp để diệt trừ được sâu đầu đen nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng quả dừa.

Xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam có gần 500 ha dừa hữu cơ. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay, sâu đầu đen xuất hiện tấn công một số vườn dừa. Vì là loại sâu lạ nên người dân chưa biết cách phòng trừ, dẫn đến sâu gây hại lan nhanh, ảnh hưởng trên 2ha diện tích.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Trung cho biết, sâu đầu đen khác với sâu bình thường. Sâu ăn dài trong phím lá dừa, lan rộng ra hết lá khiến lá dừa càng ngày càng khô. Vì là loại sâu lạ nên khi phát hiện, địa phương báo ngay với ngành nông nghiệp tỉnh để hỗ trợ, hướng dẫn cách tiêu diệt.

Theo đoàn hỗ trợ phun thuốc diệt sâu đầu đen, thu nhặt những mẫu lá dừa bị sâu tấn công, làm kén để đem về nghiên cứu, bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, sâu đầu đen tấn công cây dừa cao trước, sau đó sang cây dừa thấp. Sâu gây hại chủ yếu từ các tàu lá già bên dưới dần đến các lá trưởng thành, các tàu lá non trên ngọn và cả vỏ trái, làm cho cây dừa suy kiệt hoàn toàn. Có cây dừa bị sâu tấn công chỉ còn một vài lá trên ngọn khiến cây dừa rất khó phục hồi và có khả năng chết.

Bà Diễm cũng cho biết, trong quá trình quan sát tại vườn dừa ở xã Hữu Định (huyện Châu Thành) thì khi sâu đầu đen tấn công hết vườn dừa, chúng chuyển sang tấn công cả những cây chuối.

Sâu đầu đen hại dừa là loài sâu lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và chưa có loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký phòng trừ. Từ khi phát hiện sau đầu đen ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã tiến hành phun xịt thuốc hóa học bằng máy bay mi ni điều khiển từ xa tuy nhiên sau đó sâu vẫn tiếp tục xuất hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, dùng thuốc hoá học tiêu diệt sâu đầu đen chết nhưng do tập quán canh tác của người dân không tập trung và xen kẽ nhiều mô hình khác nhau như nuôi cá, nuôi tôm dưới vườn dừa; trồng xen loại cây này với cây kia;…và quan trọng việc dùng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hoá học còn ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn của quả dừa. Do đó, hiện ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang hướng dẫn người dân dùng thuốc sinh học để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Tuy nhiên, việc phun xịt thuốc cũng gặp khó khăn.

"Con sâu này có đặc tính khác với bọ dừa. Sâu nằm trong lá dừa, ăn lá dừa, nhả tơ, kén kéo hai mép lá dừa lại nằm bên trong nên phun xịt sâu rất khó trúng thuốc. Việc khó nữa là vườn dừa của nông dân mỗi người trồng khác nhau, cây cao cây thấp phun rất khó", Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết.

Trước sự tấn công của sâu đầu đen, tỉnh Bến Tre đang phối hợp với một số đơn vị để nghiên cứu giải pháp kiểm soát loài sâu này. Trong thời gian chờ đợi kết quả nghiên cứu, ngành nông nghiệp Bến Tre khuyến cáo người dân tập trung vào các giải pháp tạm thời phòng trừ sâu đầu đen: phun thuốc sinh học; cắt bỏ, đốt tàu lá dừa, cây dừa lão,…

Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre Nguyễn Văn Dũng hướng dẫn quan trọng nhất là khâu cắt bỏ tàu lá dừa bị sâu tấn công, tiêu huỷ bằng cách vứt xuống mương hoặc đốt, sau đó mới phun thuốc sinh học để sâu chết.

Nếu để tàu lá có sâu trên cây và phun thuốc thì phun thuốc không chết hết sâu. Đối với những cây dừa quá cao, từ 15 – 20m trở lên, đã lão thường bị sâu tấn công trước, xịt thuốc không hiệu quả, bà con nên mạnh dạn đốn bỏ và tiêu huỷ toàn bộ những lá bị gây hại để dập nguồn sâu lây lan những vườn dừa khác.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết, phải mất khoảng một năm mới nghiên cứu tìm ra cách phòng trừ loại sâu đầu đen hiệu quả vì vậy người dân không nên chủ quan trước loài sâu này. Trong lúc đó, người dân cần thực hiện các biện pháp tạm thời như đã hướng dẫn. Nếu không sớm kiểm soát, phòng trừ thì tốc độ lây lan rất nhanh, thiệt hại nặng.

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam hiện nay, đơn vị này đã gửi thông báo đến các tỉnh có trồng dừa để theo dõi loài sâu này. Ngoài ra, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đang nghiên cứu về các đặc điểm, hình thái, cách gây hại của loài sâu đầu đen và điều tra thành phần thiên địch, hướng tới biện pháp phòng trừ sinh học để quản lý loài sâu này hiệu quả và lâu dài.

Trần Thị Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm