Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Việc tiếp cận thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá thuận lợi

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh thông tin và truyền thông. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh thông tin và truyền thông. Ảnh: TTXVN

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh thông tin và truyền thông.

Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Việc tiếp cận thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá thuận lợi ảnh 1Sáng 4/11/2022, Quốc hội tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nội dung tập trung vào các vấn đề như: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Theo dõi phiên chất vấn, trả lời chất vấn và ghi nhận một số thông tin tại Sóc Trăng, ông Trần Thoại (cử tri tại Phường 3, thành phố Sóc Trăng) cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời khá đầy đủ các nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn, kể cả tranh luận tại phiên họp. Trong đó, Bộ trưởng đã nói rõ việc xử lý, hạn chế tin nhắn rác, xử lý phát tán thông tin xấu độc trên không gian mạng; cam kết sẽ sớm triển khai phủ sóng các mạng viễn thông ở vùng nông thôn miền núi, vũng lõm thông tin; đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số, số hóa trên các lĩnh vực đời sống xã hội, phát triển kinh tế...

Liên quan đến những vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Sóc Trăng cho biết: Những nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông mà Bộ trưởng trả lời cho thấy, có sự thống nhất với việc lãnh chỉ đạo từ Bộ xuống địa phương, đã và đang được tỉnh triển khai thực hiện tốt.

Tại Sóc Trăng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia được UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo; các văn bản chỉ đạo, triển khai đã tương đối đầy đủ, bao trùm các nội dung của chuyển đổi số. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Về công tác xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Sóc Trăng đã đạt được những kết quả bước đầu: Hạ tầng số từng bước được xây dựng hiện đại, đồng bộ; an toàn, an ninh thông tin mạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chính quyền số của tỉnh. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như văn bản điện tử, thư điện tử, dịch vụ công, cổng thông tin điện tử, hội nghị truyền hình, hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội... đã được triển khai cho các đơn vị sử dụng thường xuyên và có chuyển biến tích cực hơn.

Tỉnh đã xây dựng đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát điều hành thông tin tỉnh (IOC), bước đầu vận hành có hiệu quả; đã tích hợp, kết nối được một số dữ liệu, giúp lãnh đạo trong việc giám sát, theo dõi toàn diện các lĩnh vực về an ninh trật tự, kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, cũng như cơ quan công quyền trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra các quyết định quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành. Tỉnh từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số qua việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử thúc đẩy mua bán qua môi trường mạng; đẩy mạnh triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các trung tâm thương mại và chợ trung tâm của thành phố, thị trấn của tỉnh.

Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Việc tiếp cận thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá thuận lợi ảnh 2Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia: Đã hoàn thành nền tảng chia sẽ, tích hợp dữ liệu tỉnh (LGSP) theo kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0; tất cả các hệ thống thông tin của tỉnh đều đã được tích hợp, liên thông vào trục liên thông LGSP của tỉnh và Trục liên thông Quốc gia (NGSP). Cổng dịch vụ công (DVC) cũng đã hoàn tất việc hợp nhất với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền địa phương phục vụ nhu cầu đến 100% các Sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

Đặc biệt, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng có thuận lợi nhờ có sự chỉ đạo triển khai thực hiện từ trên xuống.

Tỉnh Sóc Trăng được giao nâng cấp Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để tăng cường tuyên truyền thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát cả bằng tiếng Khmer và tiếng Hoa. Đồng thời, hệ thống thông tin cơ sở ngày càng hoàn thiện, như các đài truyền thanh cơ sở; truyền thông qua ứng dụng Công dân Sóc Trăng; truyền thông qua công nghệ như mạng xã hội, qua Tổ công nghệ số cộng đồng...

Về phát triển nguồn lực, Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 06/7/2022 về triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Bên cạnh đó, đã cử 44 công chức, viên chức tham gia các chương trình bồi dưỡng do Cục Tin học hóa hướng dẫn; 40 công chức, viên chức tham gia khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin; 399 công chức tham gia chương trình bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho lãnh đạo cấp xã.

Trong việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác: Qua công tác rà soát nội dung thông tin trên mạng chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật. Sở đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cá nhân, không chia sẻ hình ảnh căn cước công dân/chứng minh nhân dân trên mạng xã hội...

Đối với việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân: Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các ngành chức năng rà soát các thông tin của các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân để xác minh và xử lý theo quy định.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm