Bề mặt Mặt Trăng có thêm một miệng hố mới do cú đâm của tên lửa

Bề mặt Mặt Trăng có thêm một miệng hố mới do cú đâm của tên lửa

Thêm một miệng hố đã được bổ sung vào danh sách dài về những vết rỗ trên bề mặt Mặt Trăng.

Theo những tính toán về quỹ đạo, một tên lửa đã đâm vào về mặt của Mặt Trăng trong ngày 4/3. Tuy giới khoa học không quan sát trực tiếp vụ va chạm này, nhưng họ cho rằng đây là một tên lửa đã "lang thang" trong không gian từ nhiều năm và những hình ảnh về sự việc này sẽ được công bố trong thời gian tới.

Theo nhà thiên văn học Bill Gray, vụ va chạm trên xảy ra vào lúc 7h25 sáng 4/3 (theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 19h25 giờ Việt Nam) tại vùng tối của Mặt Trăng - khu vực con người không quan sát được và có địa hình khá gồ ghề với vô số miệng hố.

Phát biểu với báo giới, ông Gray cho biết tên lửa nói trên nặng khoảng 4 tấn, đã bay với tốc độ khoảng 5.800 dặm/giờ (tương đương 9.300 km/h). Cú đâm của tên lửa này vào bề mặt Mặt Trăng có thể tạo thành một miệng hố "rộng khoảng 10-20m". Tốc độ, quỹ đạo và thời gian tác động của tên lửa đối với Mặt Trăng được các nhà khoa học tính toán dựa trên những quan sát bằng kính thiên văn

Ông Gray cho biết: "Chúng tôi đã có rất nhiều dữ liệu khi theo dõi vật thể này, không có gì tác động lên nó ngoại trừ lực hấp dẫn và ánh sáng Mặt Trời". Theo nhà thiên văn học, việc xác định danh tính của tên lửa này đã là một chủ đề tranh luận lâu nay và hiện chưa có một cơ quan nào chính thức chịu trách nhiệm liệt kê và theo dõi rác thải trong không gian sâu.

Rác thải vũ trụ được định nghĩa là những vật thể nhân tạo không còn giá trị sử dụng tồn tại ngoài vũ trụ, bao gồm những thiết bị được phóng lên hoặc bỏ lại, ví dụ như tên lửa đẩy, các vệ tinh không còn hoạt động, thậm chí là những vật dụng cá nhân mà phi hành gia vô tình đánh mất như găng tay, máy quay… Dần dần, con người đã lấp đầy không gian bằng rác thải trong 6 thập kỷ qua.

Số lượng xác tên lửa đẩy, các vệ tinh hết hoạt động và nhiều mảnh vỡ khác trong không gian hiện đã vượt xa số phương tiện đang hoạt động trên quỹ đạo. Với mỗi lần phóng vệ tinh mới, mỗi chuyến đi đến Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), nguy cơ va chạm tăng lên, khi các vật thể phá hủy lẫn nhau và tạo thêm nhiều mảnh vỡ.

Là người đã sáng chế ra phần mềm tính toán quỹ đạo hiện đang được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng, nhà thiên văn học Bill Gray đã tìm kiếm và giám sát các mảnh vỡ do con người tạo ra, để theo đó các nhà khoa học không nhầm lẫn những rác thải không gian này là các tiểu hành tinh và nghiên cứu chúng một cách vô ích.

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm