Bất cập trên tuyến Đê Đông - cầu Đê Trường Sơn tại Bạc Liêu

Bất cập trên tuyến Đê Đông - cầu Đê Trường Sơn tại Bạc Liêu

Hàng trăm hộ dân tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ bức xúc trước tình trạng đường làm trước hỏng sau tại Dự án thi công tuyến Đê Đông - cầu Đê Trường Sơn đi ngang trung tâm xã này. Việc này gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong nhiều năm qua.  

Bất cập trên tuyến Đê Đông - cầu Đê Trường Sơn tại Bạc Liêu ảnh 1Mặt đường dù đã được trải nhựa nhưng nhiều chỗ sỏi cát vẫn bị bong tróc. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Ông Nguyên Văn Thống, thành viên Tổ giám sát nhân dân, giám sát công trình Đê Đông - cầu Đê Trường Sơn đi ngang trung tâm xã Vĩnh Thịnh cho biết, công trình thi công đến nay đã 3 năm, cùng thời gian này người dân đã nhiều lần tố giác nhà thầu có dấu hiệu rút ruột công trình.

Cụ thể, tại Biên bản Tổ giám sát nhân dân ngày 11/12/2018 đã ghi nhận việc nhà thầu thi công không đảm bảo số lượng cừ tại các hố gas; bể đỡ hố gas, ống cống một số đoạn, một số hố gas không có bê tông, hố gas đặt sai vị trí; một số đoạn phần nền bó vỉa hè không cát, lớp đá đạt chỉ 10 cm (theo thiết kế 24cm), dưới chân bó vỉa hè không cát, đá; bó vỉa hè sai so với bảng vẽ thiết kế…

Bất cập trên tuyến Đê Đông - cầu Đê Trường Sơn tại Bạc Liêu ảnh 2Tuyến đường mới làm đã xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Theo Tổ giám sát nhân dân, trong thời gian thi công, nhà thầu cũng bị người dân phản ứng gay gắt, bởi tiến độ thi công “rùa bò”, cẩu thả, năng lực yếu kém, làm trước hỏng sau...

Quan sát cho thấy, hiện toàn tuyến đường công trình rất nhếch nhác, bùn lầy, ổ gà, ổ voi, và mặt đường loang lổ, bong tróc, hư hỏng nặng. Theo thiết kế, kết cấu công trình có cao độ trung bình +2.400 mm, với mục đích ngăn ngừa triều cường, song thực tế tuyến đường thấp, ngập nước lênh láng khi mỗi khi triều cường dâng cao. Mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần nhắc nhở, thúc giục khắc phục nhưng nhà thầu chưa có động thái khắc phục. 

Ông Nguyễn Văn Thương – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Đầu tư - Xây dựng huyện Hòa Bình - chủ đầu tư dự án cho rằng, việc tuyến đường làm trước hỏng sau có nhiều nguyên nhân. Theo đó, nhà thầu thi công thảm nhựa mặt đường vào thời điểm mùa mưa; người dân dẫn nước thải ra đường nhiều; một phần do xe trọng tải lớn lưu thông…

Bất cập trên tuyến Đê Đông - cầu Đê Trường Sơn tại Bạc Liêu ảnh 3Ống thoát nước đặt lệch vẫn được đơn vị giám sát bỏ qua. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Thực tế, đây là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm xã giữa đến Đê biển Đông, Cửa biển Cái Cùng, cũng là tuyến đường chính để vận chuyển, giao thương hàng hóa người dân trong vùng.

Tuy nhiên, 3 năm qua tuyến đường trên mặc dù đã được đầu tư xây dựng nhưng người dân chưa được hưởng lợi mà chịu thêm tình trạng sình bùn, lầy lội, ngập nước, ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, theo báo cáo của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, công trình đã hoàn thành vào cuối năm 2019, và đã được thanh toán 100% vốn.

Về phía Tổ giám sát nhân dân, người dân đặt vấn đề tại sao công trình chưa nhiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng mà đã được giải ngân, thanh toán 100% vốn. Chủ đầu tư dựa theo quy định nào để thanh toán vốn, và có thực hiện đúng Luật đầu tư công chưa?  Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu sớm vào cuộc thanh tra, làm rõ thực hư chất lượng công trình này.

Về phía UBND huyện Hòa Bình, Chủ tịch Nguyễn Văn Chung đang chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương sửa chữa, khắc phục những bất cập trên trong tháng 12,  nhằm đảm bảo điều kiện đi lại, lưu thông hàng hóa cho người dân trước Tết Dương lịch, Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Bất cập trên tuyến Đê Đông - cầu Đê Trường Sơn tại Bạc Liêu ảnh 4Ống thoát nước bị vỡ vẫn được dùng để thi công. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Dự án xây dựng đường tuyến Đê Đông - cầu Đê Trường Sơn dài khoảng 2,3 km, tổng vốn đầu tư gần 13,5 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách Nhà nước, do UBND huyện Hòa Bình làm chủ đầu tư. Đơn vị thi là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Cường Bạc Liêu.

Theo thiết kế, mặt đường rộng từ 3,5 - 5 m, khởi công cuối năm 2017. Đơn vị thi công cam kết hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày động thổ./.

Huỳnh Sử 

(Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm