Bảo vệ vọoc gáy trắng trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng tại Quảng Bình

Bảo vệ vọoc gáy trắng trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng tại Quảng Bình

Ngày 16/9, tại thành phố Đồng Hới, Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình và UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp tổ chức Hội thảo “Tổng kết mô hình hợp tác quản lý, bảo tồn voọc gáy trắng khu vực quy hoạch rừng đặc dụng huyện Tuyên Hóa - Định hướng giai đoạn tiếp theo”.

Bảo vệ vọoc gáy trắng trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng tại Quảng Bình ảnh 1 Những cá thể voọc gáy trắng được phát hiện đầu tiên vào năm 2012, khi đó đàn voọc chỉ có 10 cá thể sinh sống trên lèn đá Thiết Sơn, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình). Ảnh: TTXVN

Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecus Hatinhensis thuộc bộ Linh trưởng, nhóm IB, cực kỳ quý hiếm, nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới. Tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, những cá thể voọc gáy trắng được phát hiện đầu tiên vào năm 2012, khi đó đàn voọc chỉ có 10 cá thể sinh sống trên lèn đá Thiết Sơn. Khu vực rừng đặc dụng bảo tồn loài voọc thuộc các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa và Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa) với diện tích khoảng 510 ha nên không đủ điều kiện thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn. Do đó, đàn voọc khó được bảo vệ toàn diện.

Nhằm nỗ lực bảo tồn loại voọc gáy trắng, mô hình phối hợp quản lý bảo tồn khu vực quy hoạch rừng đặc dụng tại huyện Tuyên Hóa giữa Tổ Bảo tồn thiên nhiên với Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương 4 xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa và Thuận Hóa được hình thành trên cơ sở tự nguyện giữa các bên liên quan.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Long, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng Kiểm lâm đã đồng hành cùng người dân, Tổ Bảo tồn thiên nhiên và chính quyền địa phương để quản lý, bảo vệ loài voọc gáy trắng. Đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ để xây dựng kế hoạch tuần tra và hỗ trợ cho các thành viên của Tổ Bảo tồn thiên nhiên.

Bảo vệ vọoc gáy trắng trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng tại Quảng Bình ảnh 2Loài voọc gáy trắng thuộc loài động vật cực kỳ quý hiếm, nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới. Ảnh: TTXVN

Nhận thấy vai trò và sự đóng góp to lớn của cộng đồng, Tổ Bảo tồn thiên nhiên đối với công tác bảo tồn loài voọc gáy trắng, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao đã tiếp cận và hỗ trợ các thành viên Tổ Bảo tồn thiên nhiên nhằm tăng cường năng lực, kiến thức, nâng cao vai trò và vị thế cho các thành viên của tổ. Dựa trên phương thức tiếp cận của dự án và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Trung tâm đã hệ thống hóa các bài học kinh nghiệm từ mô hình hợp tác quản lý, bảo tồn vọoc gáy trắng khu vực quy hoạch rừng đặc dụng huyện Tuyên Hóa; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, khó khăn thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn loài voọc gáy trắng đối với những khu vực bảo tồn nhỏ chưa có quy định và hướng dẫn.

Tháng 12/2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định quy hoạch 509.42 ha rừng đặc dụng để bảo vệ loài voọc gáy trắng. Dự thảo Đề án Bảo tồn voọc gáy trắng tại khu vực quy hoạch rừng đặc dụng được xây dựng và hoàn thiện; tính chính danh trong quản lý, bảo tồn voọc gáy trắng của Tổ Bảo tồn thiên nhiên được công nhận. Tính đa dạng sinh học, môi trường sinh thái trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng ngày càng được bảo vệ và phát triển tốt. Theo các chuyên gia và đơn vị chức năng có liên quan, tại Quảng Bình, hiện đã có hơn 150 cá thể vọoc gáy trắng đang sinh sống trên các dãy đá vôi thuộc địa bàn huyện Tuyên Hóa.

Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao đề xuất các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình sớm có phương án quản lý chính thống đối với khu vực rừng đặc dụng bảo tồn voọc gáy trắng; phân bổ nguồn ngân sách cho các hoạt động quản lý, bảo vệ khu vực quy hoạch rừng đặc dụng bảo tồn voọc gáy trắng và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động, bảo hiểm cho các thành viên Tổ Bảo tồn thiên nhiên. Tỉnh quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích và có các chính sách hỗ trợ các hộ gia đình có đất canh tác nương rẫy gần Khu Bảo tồn chuyển dịch sang trồng các loài cây lâu năm để vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa mở rộng hành lang sinh cảnh cho voọc gáy trắng…

Bảo vệ vọoc gáy trắng trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng tại Quảng Bình ảnh 3Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Các đại biểu dự hội thảo đưa ra các giải pháp nhằm góp phần bảo vệ loài voọc quý hiếm trên địa bàn như: cần hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép, mở rộng môi trường sống cho voọc; ngăn cấm việc khai thác gỗ rừng trái phép; hạn chế cấp phép, khai thác đá, việc khai thác sản vật, chăn thả gia súc tại những nơi đàn voọc sinh sống. Đặc biệt, quan tâm, phát huy vai trò nòng cốt của của nhóm bảo tồn tự nguyện và người dân địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển loài voọc gáy trắng. Các đơn vị liên quan huy động các nguồn đầu tư triển khai các hoạt động bảo tồn voọc gáy trắng, triển khai các dự án trồng rừng, mở rộng rừng, chăm sóc và khai thác rừng bền vững trong thời gian tiếp theo…

Võ Dung - Đức Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm