Bảo vệ, phát huy tiềm năng du lịch của hang động Thẳm Khến (Điện Biên)

Bảo vệ, phát huy tiềm năng du lịch của hang động Thẳm Khến (Điện Biên)

Ngày 22/12, tại xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa đã trang trọng tổ chức lễ Công bố Quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia danh lam thắng cảnh hang động Thẳm Khến, nơi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia danh lam thắng cảnh theo quyết định số 3086/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020.

Bảo vệ, phát huy tiềm năng du lịch của hang động Thẳm Khến (Điện Biên) ảnh 1Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên trao Bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia Danh lam thắng cảnh hang động Thẳm Khến cho chính quyền xã Mường Đun. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, trong dãy núi đá vôi có quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm, hang động Thẳm Khến có 2 kiểu hệ sinh thái đặc trưng: Hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái hang động. Nơi đây hội tụ các tính chất đa dạng của thiên nhiên như: Địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường; chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, du lịch, thẩm mỹ…

Hang động Thẳm Khến là một tổ hợp gồm 2 hang động. Hang động thứ nhất có tổng chiều dài 160 m, uốn lượn theo hình chữ S, được chia làm 3 khoang chính. Hang động thứ hai nằm cách hang động thứ nhất khoảng 60 m về hướng Đông - Bắc, cửa hang rộng khoảng 30 m, cao khoảng 10 m, sâu gần 300 m, uốn lượn hình chữ W, chia làm 2 khoang và 2 ngách nhỏ.

Khám phá hang động Thẳm Khến, du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp sinh động và lộng lẫy của các phiến đá, măng đá, cột đá, vô số hình thù các con vật, cây cối như: Voi, rồng, phượng, rùa, các loại chim, cây xương rồng…đang ẩn mình trong thảm thực vật mà thạch nhũ đã tạo nên. Du khách cũng sẽ choáng ngợp trước không gian rộng lớn của những vòm hang, chứng kiến những mảng nhũ đá lớn có màu vàng, xám đan xen buông từ vòm hang xuống. Trên nền hang, xuất hiện những cột đá măng đá hình cổ thụ, hình thác nước đang tuôn chảy tung bọt trắng xóa. Đặc biệt, sâu trong lòng hang hiện diện những phiến đá nối tiếp nhau từ cao xuống thấp như những ruộng bậc thang. Những dải san hô được tạo nên từ các khối nhũ đá rủ, trải dài với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Những rừng măng đá đa sắc, được bố trí hài hòa của thiên tạo cũng xuất hiện nhiều trong lòng hang.

Bảo vệ, phát huy tiềm năng du lịch của hang động Thẳm Khến (Điện Biên) ảnh 2Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Tủa Chùa là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, trong đó nổi bật là thế mạnh về sinh thái và văn hóa truyền thống các dân tộc. Cùng với việc bảo tồn phát huy giá trị hệ thống Di tích kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng, danh lam thắng cảnh các hang động Xá Nhè, Pê Răng Ky, Khó Chua La, cảnh quan cao nguyên đá tai mèo, các tiểu vùng văn hóa độc đáo, đậm sắc thái văn hóa của các cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn… Hang động Thẳm Khến sẽ tạo tiền đề, điểm nhấn quan trọng trong chuỗi liên kết các tour du lịch, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương, tạo đà cho du lịch Tủa Chùa - “Vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí” sớm trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.

Để bảo vệ, phát huy tiềm năng du lịch của hang động Thẳm Khến, ngành du lịch tỉnh Điện Biên cùng chính quyền huyện Tủa Chùa, xã Mường Đun sẽ sớm triển khai khoanh vùng cắm mốc khu vực bảo vệ I, II cho di tích, nhằm ngăn chặn việc xâm hại, tạo cơ sở, pháp lý để bảo vệ các yếu tố cấu thành di tích (vùng bao quanh địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái...); đồng thời, tạo lập cho di tích một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ văn hóa du lịch nhằm hỗ trợ tại chỗ cho du khách khi đến tham quan di tích.

Xuân Tiến - Xuân Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm