Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên

Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên
Đà Lạt cưỡng chế nóng nhiều công trình lấn rừng, hạ độc thông cổ thụ. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN
Đà Lạt cưỡng chế nóng nhiều công trình lấn rừng, hạ độc thông cổ thụ.
Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN
Tổng vốn thực hiện đề án là 28.554 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 7.800 tỷ đồng, vốn ODA 3.750 tỷ đồng và vốn ngoài ngân sách 17.000 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng ở Tây Nguyên, đến năm 2030 diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ lên 49,2%. Ngoài ra, đề án cũng nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cung cấp dịch vụ môi trường rừng, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên. Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm như: Bảo vệ hơn 2,2 triệu ha rừng tự nhiên hiện có; quản lý rừng không để phát sinh tranh chấp, xâm lấn rừng và đẩy mạnh quản lý rừng cộng đồng, tiếp tục giao rừng cho người dân quản lý. Song song đó là nhiệm vụ khôi phục và phát triển rừng bằng công tác trồng rừng với chỉ tiêu cụ thể như: Trồng 7.100 ha rừng phòng hộ và đặc dụng; trồng 136,6 ngàn ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh rừng bình quân 36.600 ha/năm; trồng cây phân tán 48,4 triệu cây.
Hội thảo “Nông lâm kết hợp, nông nghiệp thông minh và Quản lý cảnh quan rừng bền vững ở Tây Nguyên". Ảnh: Phạm Văn Cường - TTXVN
Hội thảo “Nông lâm kết hợp, nông nghiệp thông minh và Quản lý cảnh quan rừng bền vững ở Tây Nguyên". Ảnh: Phạm Văn Cường - TTXVN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các đơn vị liên quan và 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện đồng bộ những giải pháp để triển khai đề án theo kế hoạch đã phê duyệt. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, các tỉnh Tây Nguyên cần ưu tiên thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ còn thiếu của Đề án trong giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời triển khai nhiệm vụ cấp bách, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp công nghệ cao, quản lý rừng cộng đồng, cải thiện sinh kế, phát triển sản phẩm lâm nghiệp. Đặc biệt, các tỉnh cần phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng... Khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 5,4 triệu ha, với dân số khoảng 5,1 triệu người. Trong đó, diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 3,2 triệu ha, chiếm 19,9% diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cả nước. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018, tổng diện tích có rừng của 5 tỉnh Tây Nguyên là 2,55 triệu ha, tăng 3.502 ha so với năm 2017, tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt 46,01%.
Nguyễn Dũng

Có thể bạn quan tâm