Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm trong thời đại công nghiệp 4.0

Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm trong thời đại công nghiệp 4.0
Dệt truyền thống tại Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Dệt truyền thống tại Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) là đơn vị tham gia triển khai thí điểm dán “tem điện tử thông minh” lên các dòng sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Để được cấp tem điện tử, sản phẩm của hợp tác xã phải trải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Sau khi được ngành chức năng thẩm định, toàn bộ dữ liệu liên quan đến sản phẩm được đăng tải lên hệ thống mạng internet để thuận tiện cho việc kiểm tra.

Ông Hàm Minh Thiệu, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết: Chỉ cần dùng ứng dụng trên điện thoại di động thông minh soi quét vào mã tem QR code được dán trên sản phẩm, người tiêu dùng sẽ truy xuất được toàn bộ thông tin xuất xứ, mẫu mã sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng, giá cả tham khảo, hướng dẫn bảo quản sản phẩm thể hiện dưới dạng văn bản, hình ảnh, video. Tem điện tử giúp người tiêu dùng biết rõ hơn về sản phẩm, từ đó yên tâm trong quá trình mua sắm.

Sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp được dệt theo phương pháp thủ công truyền thống. Qua tư duy và đôi bàn tay khéo léo của người thợ dệt, những sợi chỉ đủ màu sắc kết hợp lại tạo thành những biểu tượng hoa văn cách điệu như hình quả trám, hình rồng, voi, chim thú, hoa lá hay các họa tiết hình học đối xứng làm viền trang trí cho nhiều loại trang phục, dây đai, khăn choàng, khăn trải bàn, khăn trải giường, túi xách, tấm mền, thảm... có tính thẩm mỹ cao, được thị trường ưa chuộng.
 
Sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động soi quét vào mã tem dán trên sản phẩm thổ cẩm để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động soi quét vào mã tem dán trên sản phẩm thổ cẩm để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, dán tem điện tử giúp cho việc số hóa thông tin các cơ sở sản xuất và sản phẩm trong suốt quá trình lưu thông trên thị trường được thuận lợi. Thông qua việc dán tem điện tử nhằm tạo sự tin cậy, giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn, sử dụng các sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã làng nghề Chăm Mỹ Nghiệp. Đây là một trong những hoạt động nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở địa phương trong thời đại công nghiệp 4.0.

Để nâng cao thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Chăm trên thị trường, thời gian tới, cùng với việc triển khai dán tem điện tử cho các sản phẩm của hợp tác xã dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai cấp quyền sử dụng tem điện tử cho các cơ sở sản xuất thổ cẩm của làng nghề dệt Mỹ Nghiệp, đảm bảo việc cấp tem chặt chẽ, đúng quy định; đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng về trách nhiệm bảo vệ uy tín, chất lượng cho sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm.
 
Dán “tem điện tử thông minh” cho sản phẩm thổ cẩm. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Dán “tem điện tử thông minh” cho sản phẩm thổ cẩm.
Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Sản phẩm thổ cẩm của làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tỉnh Ninh Thuận công nhận là một trong 12 sản phẩm đặc thù của địa phương. Ngoài ra, làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 17 làng nghề tiêu biểu nhất Việt Nam, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương về chất lượng sản phẩm cùng nhiều thành tích trong phát triển kinh tế tập thể từ khi thành lập (năm 2012) đến nay.

Bên cạnh việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, để đa dạng hóa mẫu mã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thổ cẩm Chăm, các nghệ nhân của hợp tác xã phối hợp cùng các thợ dệt giỏi trong làng Chăm Mỹ Nghiệp đang tích cực sưu tầm các mẫu hoa văn cổ thông qua tư liệu hình ảnh, trang phục còn cất giữ ở các làng Chăm trong tỉnh để nghiên cứu phục dựng lại các mẫu hoa văn đẹp, tinh xảo đưa vào sản xuất; đồng thời nỗ lực truyền dạy kỹ thuật cho thế hệ trẻ để bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống.

Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp đa dạng về mẫu mã, chủng loại, mỗi sản phẩm có giá từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng. Bên cạnh giá trị về mặt kinh tế, những sản phẩm dệt thổ cẩm với những hoa văn độc đáo còn mang nhiều ý nghĩa, triết lý về đời sống, phong tục tập quán, tôn giáo, tư duy mỹ thuật giúp cho các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm ở Ninh Thuận mang những nét đặc trưng riêng, tiêu biểu./.
Nguyễn Thành
TTXVN

Có thể bạn quan tâm