Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Cao Bằng

Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Cao Bằng
Tiết mục hát then đàn tính “Trên đỉnh Slam Cao” của dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng.
Tiết mục hát then đàn tính “Trên đỉnh Slam Cao” của dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng.
Về văn học dân gian, trước tiên, nổi bật nhất là huyền thoại khởi nguyên luận của người Tày “Báo Luông, Slao Cải”, cặp vợ chồng to lớn ấy đã sinh ra 100 người con (một nửa trai và một nửa gái). Huyền tích “Báo Luông, Slao Cải” đã cắt nghĩa một cách cụ thể, mạch lạc rõ ràng, lô gic, hệ thống, đầy ấn tượng về sự hình thành con người và nghề nông, sự khởi đầu cuộc sống con người Cao Bằng trên miền non nước, sánh ngang huyền thoại Mường Hươu Sao (Ngu Cơ) - Cá Chép (Long Wang) và huyền thoại Việt Tiên (Âu Cơ) - Rồng (Lạc Long). 

Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng Vùa” (Chín chúa tranh Vua) cũng thật độc đáo, cảm hóa lòng người. Truyền thuyết đề cập đến nhân vật lịch sử là Thục Phán vào khoảng cuối đời Hùng Vương, thế kỷ III trước Công nguyên. Người đã có công hợp nhất nước Nam Cương và Văn Lang thành nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội). Truyền thuyết là sở cứ bước đầu chỉ cho chúng ta thấy hiện thực về một vùng đất lịch sử, một con người lịch sử, một kinh đô Nam Bình huy hoàng.

Về kho tàng truyện kể, bên cạnh những câu truyện dã sử chung, dân tộc nào cũng có các thể loại cổ tích, ngụ ngôn..., cùng với các thể loại văn vần phong phú như tục ngữ, đồng dao, câu đố. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói riêng của mình, đặc biệt người Tày đã sáng tạo ra chữ Nôm với các tác phẩm văn học thành văn đề cập đến nhiều phương diện tri thức về y tế, địa lý, phong tục tập quán, lịch sử, lịch thời gian; hiện còn lưu giữ 85 văn bản chữ Nôm Tày tại viện Hán Nôm. 

Về phong tục tập quán, tín ngưỡng, mỗi dân tộc đều có nếp sinh hoạt riêng cùng với các quy định nghi lễ của vòng đời con người từ khi sinh ra cho đến khi khuất núi. Các ngày lễ tết hằng năm phong phú, đa dạng, gần như tháng nào cũng có. Hầu hết các dân tộc đều thờ cúng tổ tiên, thổ công thành hoàng làng, thần bếp, gốc cây, hòn đá... theo quan niệm vạn vật nghiệm linh.

Toàn tỉnh có 13 đền, 3 miếu, 6 chùa. Mỗi dân tộc mang trang phục riêng độc đáo, rực rõ sắc màu. Văn hóa ẩm thực cũng rất phong phú với nhiều món ăn ngon đặc sản bổ dưỡng. Nhà ở các dân tộc đặc trưng là kiến trúc nhà sàn bốn mùa thoáng mát. Các nghề rèn công cụ, chạm khắc bạc, đan lát, dệt thổ cẩm cũng phát triển ở các dân tộc, có nơi thành làng nghề như nghề rèn có tiếng ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên).

 Cao Bằng giàu âm hưởng dân ca dân tộc. Thông thường chúng ta hay gặp nhất là các thể loại dân ca của người Tày, Nùng, trước hết phải kể đến dân ca nổi tiếng then tính với nhiều làn điệu và thể loại đặc trưng. Tỉnh ta có 2 dòng then là then miền Đông và then miền Tây. Then miền Đông thường gọi là dàng (nam hát), ngược lại then miền Tây (pựt, then) là nữ hát. Về sli, lượn cũng rất đa dạng thể loại, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là chưa kể đến mảng dân ca lễ hội và các lễ nghi khác đều dày thi ca. Mỗi thể loại dân ca còn hàm chứa nhiều làn điệu với số lượng thật đáng nể.

 Lễ hội của Cao Bằng chủ yếu là lễ hội truyền thống được diễn ra ở hai dân tộc Tày và Nùng, một hoạt động đầy tính nhân văn của văn hóa dân gian truyền thống. Thời gian tổ chức các lễ hội tập trung vào tháng 1 - 4 hằng năm. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, bà con các dân tộc lại tưng bừng náo nức trong không khí lễ hội. Cao Bằng có nhiều lễ hội, đa dạng, phong phú, nổi bật nhất là các loại hình lễ hội đền, chùa, lễ hội về nông nghiệp, lễ hội mừng công, lễ hội mang tính giáo lý nhân văn. 

Cao Bằng là “chiếc nôi” cách mạng của cả nước và rất đỗi tự hào là vùng đất địa linh nổi bật về VHTT cách mạng. Ngay sau thành lập Đảng, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng đã ra đời ngày 1/4/1930. Cao Bằng được Bác Hồ chọn là nơi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sau hơn 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân. Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng), nơi đây đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII và các sự kiện lịch sử, quyết định những quyết sách mang tầm chiến lược cho vận mệnh tương lai đất nước. Địa danh Pác Bó và rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình) - nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt cùng các địa danh Lam Sơn, Đông Khê nổi tiếng. Văn hóa cách mạng là “dòng chảy” kế thừa, hòa quyện kết tinh của VHTT dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ vì sự trường tồn tất yếu của đất nước cùng văn hóa.    

Xác định rõ VHTT là hồn cốt của Quốc gia, dân tộc, là nền tảng tinh thần to lớn tạo nên sự phát triển của xã hội, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã chủ động tích cực xây dựng và thực hiện các chương trình hành động, nhiều dự án được triển khai nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đạt được những thành quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, kết quả này còn rất khiêm tốn, VHTT đã và đang từng ngày bị xói mòn, nguy cơ mai một nghiêm trọng, khó tránh khỏi. Rõ ràng, bảo tồn và phát huy vốn VHTT quý báu được ông, cha để lại đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi cần có các giải pháp hữu hiệu với sức mạnh tổng hợp toàn dân, như:

Thường xuyên quán triệt về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đặc biệt là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ngày 9/6/2006 của Tỉnh ủy Cao Bằng về bảo tồn và phát huy các giá trị VHTT đặc sắc của Cao Bằng; Chương trình hành động số 51-CTr/TU, ngày 7/10/2014 của Tỉnh ủy Cao Bằng thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tới từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về công tác bảo tồn và phát huy VHTT các dân tộc.

Tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, khảo sát, đánh giá có bài bản, hệ thống về thực trạng của tất cả các loại hình VHTT trên địa bàn toàn tỉnh, hình thành nên bách khoa toàn thư văn hóa Cao Bằng. Xây dựng các đề án, dự án về bảo tồn và phát huy các thành tố văn hóa từng dân tộc trình tỉnh và các cơ quan chức năng phê duyệt để tiến hành thực hiện. Quan tâm, tạo điều kiện cho văn hóa đương đại kế thừa và phát huy VHTT.

Động viên khuyến khích sáng tác, sáng tạo nhằm phát huy, phát triển có hiệu quả các loại hình văn hóa nhất là văn học, nghệ thuật dân gian, dân ca các dân tộc. Đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo các đền chùa; chăm lo bảo tồn, bảo tàng, khẩn trương xây dựng Bảo tàng Tổng hợp của tỉnh. Nghiên cứu phục dựng có chọn lọc một số lễ hội và phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 27/CT-TW, ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học về các thành tố văn hóa, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi để bảo tồn và phát huy. Mở các lớp truyền dạy kỹ năng hát dân ca trong nhân dân. Phổ cập các làn điệu dân ca cổ trong học đường và thế hệ trẻ. Tổ chức hội diễn dân ca hằng năm. Tăng cường giao lưu văn hóa, quảng bá các loại hình VHTT gắn với không gian văn hóa, thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách tham quan du lịch. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
Hơn bao giờ hết, bảo tồn và phát huy VHTT của dân tộc là nhiệm vụ cấp bách, mang tầm chiến lược hàng đầu có ý nghĩa trọng đại lâu dài trong sự nghiệp phát triển KT - XH, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh, đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.   
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm