Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơ-tu ở Quảng Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơ-tu ở Quảng Nam
 Các cô gái Cơ Tu làm bánh sừng trâu chuẩn bị cho ngày hội.
Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Tây Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Cơ-tu sinh sống, chiếm hơn 92% dân số của huyện. Hiện nay, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật của người Cơ-tu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: nói lý, hát lý, múa tung tung da dá... Đây vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm đối với chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang trong công tác bảo tồn và khai thác những giá trị văn hóa này. 

Trưng bầy những hình tượng cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người Cơ-tu thông qua điêu khắc tượng gỗ của các nghệ nhân. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
Trưng bầy những hình tượng cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người Cơ-tu thông qua điêu khắc tượng gỗ của các nghệ nhân. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Ông Nguyễn Chí Toàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu được những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, huyện cũng đang mời các già làng tham gia vào câu lạc bộ nói lý, hát lý, qua đó truyền dạy cho những người trung niên có đam mê loại hình nghệ thuật này; thành lập những tổ dệt thổ cẩm tại các thôn... Một khu làng truyền thống của người Cơ-tu cũng được huyện đầu tư xây dựng ngay tại trung tâm huyện. Hàng năm, tại khu làng truyền thống này nhiều lễ hội, hội thi mang đậm bản sắc của đồng bào Cơ-tu đã được huyện Tây Giang khôi phục, thu hút đông đảo người dân tham gia như: lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu; hội thi đánh cồng chiêng, điêu khắc… Đặc biệt, những năm gần đây, đội văn nghệ truyền thống của huyện luôn được tỉnh Quảng Nam chọn để đại diện tham gia các hoạt động văn hóa ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội. 

Chuẩn bị dựng cây nêu trong lễ hội. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
Chuẩn bị dựng cây nêu trong lễ hội. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Điều đáng mừng là ở hầu hết các thôn trên địa bàn huyện Tây Giang đều có những vị già làng, những nghệ nhân am hiểu văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống. Đây là những “báu vật sống” để mạch nguồn văn hóa Cơ-tu được bảo tồn và phát triển trong cộng đồng. Cùng với đó, việc xây dựng không gian văn hóa nhà Gươl luôn được huyện Tây Giang quan tâm đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn có 61/70 thôn đã có nhà Gươl của thôn; 8/10 xã có nhà Gươl ở trung tâm xã; nhiều cơ quan, trường học trên địa bàn huyện cũng xây dựng nhà Gươl tạo ra nét đặc trưng rất riêng trong quá trình phát triển của huyện. Tại mỗi nhà Gươl của thôn đều có bản hương ước, người dân ký cam kết về những điều cộng đồng cần đoàn kết xây dựng và những điều không được làm để xây dựng thôn, bản văn hóa.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang sưu tầm những câu chuyện truyền khẩu trong dân gian của đồng bào và từng bước biên soạn, giảng dạy tiếng Cơ-tu trong trường học cho học sinh. Việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào gắn với xây dựng đời sống mới trên địa bàn huyện Tây Giang thời gian qua còn góp phần đẩy lùi những hủ tục lạc hậu của đồng bào trước đây như: Hôn nhân cận huyết thống, tổ chức đám cưới, đám tang tốn kém, đốt rừng làm nương rẫy… 

Kết hoa chuẩn bị dựng cây nêu
Kết hoa chuẩn bị dựng cây nêu

Hiện nay, huyện Tây Giang đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về xây dựng con người Tây Giang trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào ở từng thôn, bản gắn với thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng bào Cơ-tu luôn có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
 Đồng bào Cơ-tu luôn có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Cơ-tu . Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
 Trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Cơ-tu . Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
Nghề dệt truyền thống của đồng bào Cơ-tu. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
 Nghề dệt truyền thống của đồng bào Cơ-tu. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Có thể bạn quan tâm