Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư

Ngày 12/8, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư". Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa, khảo cổ học.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư được xếp hạng Di tích quốc gia đợt đầu tiên năm 1962, đến năm 2012 được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Cố đô Hoa Lư là một trong 3 vùng lõi thuộc quần thể danh thắng Tràng An. Trong thư tịch Việt Nam đã có nhiều công trình nhắc đến Cố đô Hoa Lư trong lịch sử như Việt sử lược, An Nam chí lược, Dư địa chí, Đại Việt sử ký toàn thư... nhưng chủ yếu đề cập một cách sơ lược.

Tại nhiều hội thảo gần đây liên quan đến di tích quốc gia đặc biệt này, nhiều nhà khoa học đã thống nhất đánh giá kinh đô Hoa Lư có một vị trí đặc biệt đối với việc nghiên cứu lịch sử thời nhà Đinh và Tiền Lê, một kinh đô phồn thịnh, đồng thời là một kiến trúc quân sự quy mô.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư ảnh 2Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Theo Thạc sĩ, Kiến trúc sư Đặng Khánh Ngọc, Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích tổng hợp nhiều tại liệu cho thấy quy mô của Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá, cảnh quan hùng vĩ. Dân gian có câu "Nhà Đinh xây thành, nhà Lê dựng điện", nói lên việc nhà Đinh lợi dụng địa thế núi sông, hào nước, hang động để xây dựng các vòng thành nhằm tạo lập và bảo vệ kinh đô, nhà Lê cho xây dựng một loạt cung điện như Bách Bảo Thiên Tuế, Phong Lưu, Tử Hoa, Bồng Lai, Trường Xuân...

Hội thảo nhằm đánh giá vai trò, vị trí, đặc điểm, quy mô của Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử; đánh giá quá trình quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư từ trước tới nay, từ đó đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô Hoa Lư trong thời gian tới.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư ảnh 3 PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 20 ý kiến, tham luận, tập trung vào 4 nhóm chủ đề trọng tâm: Đánh giá lại toàn bộ kết quả khảo sát, nghiên cứu khoa học, quá trình can thiệp đối với Cố đô Hoa Lư từ trước tới nay; xác định, phân tích làm rõ vị trí, vai trò của Cố đô Hoa Lư trong tiến trình lịch sử dân tộc; đánh giá tổng quát hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích trong giai đoạn hiện nay; xác định hệ thống các văn bản có giá trị khả thi, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của khu di tích kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư trong sự gắn kết với khu vực quần thể di sản Tràng An.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đề cập sâu đến di sản Hán Nôm ở Cố đô Hoa Lư; cho rằng nơi đây lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại vô cùng quan trọng, trung tâm khu di tích gắn với các di tích liên quan đến vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, cùng các nhân vật, di tích tôn giáo, tín ngưỡng từ thời đầu độc lập tự chủ. Hầu hết các di tích này đều để lại kho tàng di sản Hán Nôm quý giá, đơn cử như văn bia tại các di tích thuộc lăng Yên Ngựa, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành...

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư ảnh 4GS.TS. Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Tham luận của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) mang đến cho hội thảo thêm một cách nhận diện không gian lịch sử, văn hóa đô thị Hoa Lư; chỉ ra Hoa Lư là vùng đất khá rộng lớn, tương đương với phần lớn huyện Hoa Lư và một phần huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) ngày nay, ở thế kỷ X vẫn nằm kề sát biển, lại được bao bọc bởi dải núi đá vôi hiểm trở và hệ thống sông ngòi chằng chịt. Nhà Đinh dựa hẳn vào hệ thống dãy núi đá vôi hiểm yếu, kết hợp với địa hình sông suối, bến bãi trong vùng động Hoa Lư để xây dựng các tòa thành kiên cố, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam.

Nhiều tham luận tại hội thảo cũng đánh giá cao công tác trùng tu, tôn tạo di tích ở khu vực trung tâm khu di tích Cố đô Hoa Lư trong lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện nay; đồng thời đề xuất nhiều ý kiến bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong thời gian tới, như: Quy hoạch khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư thành công viên lịch sử; bảo tồn, phát huy di sản Hoa Lư từ góc nhìn khảo cổ học...

Đức Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm