Bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của lễ hội Thái bình xướng ca

Bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của lễ hội Thái bình xướng ca

Lễ hội Thái bình xướng ca với ý nghĩa mừng đất nước thái bình được nhân dân thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tổ chức 3 năm/lần. Đây là lễ hội tiêu biểu đặc trưng của văn hóa thời Trần tại Nam Định, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đặc trưng của văn hóa Trần

Làng Gạo trước đây, thôn Quả Linh, xã Thành Lợi ngày nay là một trong những làng cổ của tỉnh Nam Định. Theo các tư liệu lịch sử, từ thời Đinh -Tiền Lê đến thời Trần, làng Gạo là nơi triều đình đặt kho lương, có đình đụn để tích trữ lương thảo, có đội quân vận chuyển lương thực, góp phần quan trọng để vua tôi nhà Trần 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba trên sông Bạch Đằng năm 1288, vua Trần ban thưởng cho nhân dân làng Gạo mở hội ca hát để ăn mừng chiến thắng, gọi là hội Thái bình xướng ca.

Bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của lễ hội Thái bình xướng ca ảnh 1Múa rồng mây, một trong những sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Thái Bình xướng ca. Ảnh: daidoanket. vn

Lễ hội Thái bình xướng ca với các thực hành diễn ra tập trung chủ yếu tại không gian đám hát, đình đụn (biểu tượng kho lương thời nhà Trần), ao Đồng Đoài tại thôn Quả Linh. Lễ hội được duy trì tổ chức 3 năm/lần vào các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi. Thời gian tổ chức từ ngày mùng 9 đến 11 tháng Ba âm lịch.

Lễ hội Thái bình xướng ca gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Độc đáo nhất là phần hội với các hoạt động, như: dựng đình đụn, đua thuyền tải lương, thi dệt vải trên hồ, hát trống quân, đánh cờ đèn, tam cúc, tổ tôm điếm…, tái hiện các hoạt động của nhân dân làng Gạo góp công, góp sức vận chuyển lương thực cho quân dân nhà Trần.

Thái bình xướng ca là một trong những lễ hội đặc sắc có giá trị về lịch sử, khẳng định truyền thống hào hùng của nhân dân trong công cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Các hoạt động, trò chơi trong lễ hội đều được tổ chức trên sông nước, là biểu tượng tượng trưng cho các trận thủy chiến của quân dân nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược.

Nghi lễ rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ Tổ tập trung tại Đám Hát vào ngày đầu tiên của lễ hội tượng trưng sức mạnh đoàn kết của 18 cụ Tổ cùng nhau xây dựng quê hương, của nhân dân làng Gạo. Nghi thức này được được người dân ví như Hội nghị Diên Hồng - hội nghị biểu dương tinh thần “Sát Thát” của quân dân nhà Trần, nhằm nêu cao tinh thần đoàn kết “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức nên giặc phải đầu hàng”.

Trong lễ hội còn có sự xuất hiện của song long, rồng vàng và rồng xanh. Người dân trong làng giải thích, rồng vàng là biểu tượng vua Trần, rồng xanh biểu tượng cho tầng lớp nhân dân. Đôi song long trong lễ hội thể hiện chính sách “thân dân”, “dĩ dân vi bản” của nhà Trần.

Phát huy giá trị văn hóa

Trải qua những thăng trầm lịch sử, đã có khoảng thời gian đất nước chiến tranh, lễ hội không được diễn ra. Từ năm 1993, khi đền Đông của làng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia, người dân địa phương bắt đầu phục dựng lễ hội.

Vào những năm diễn ra lễ hội, người dân thôn Quả Linh, xã Thành Lợi lại náo nức chuẩn bị cho ngày hội lớn. Ngoài đường, cờ hoa được trang trí bắt mắt, người mang rơm trang trí đình đụn, người chuẩn bị thuyền rồng, các cô gái cũng nhịp nhàng tay thoi tập dệt cửi chuẩn bị ngày hội làng.

Ông Vũ Văn Hiền, thôn Quả Linh cho biết, nhóm của ông phụ trách phần thi đua thuyền tải lương. Ngày xưa, thuyền thường được làm bằng tre gọi là thuyền nan nhưng giờ đây người dân cải tiến làm thuyền bằng tôn, vừa an toàn lại bắt mắt người xem. Khi phần thi diễn ra, tiếng trống dồn cùng tiếng hò reo cổ vũ làm cho khí thế của những người tham gia thêm hồ hởi, dốc sức thi đấu.

Bà Nguyễn Thị Sen ở thôn Quả Linh, năm nào cũng tham gia phần thi dệt vải trên sông cho hay, xã Thành Lợi vốn có nghề dệt lâu đời. Do đó, trong hội không thể thiếu phần thi này, vì vừa tái hiện cảnh dân làng dốc sức lao động phục vụ triều đình, vừa nhắc nhở con cháu về nghề truyền thống của cha ông.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định khẳng định, lễ hội Thái bình xướng ca là một trong những đặc trưng tiêu biểu nhất cho văn hóa dân gian, trong đó văn hóa làng gắn kết, hòa quyện với văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình, trở thành những giá trị truyền thống, thể hiện bản sắc của quê hương.

Các hoạt động trong lễ hội thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, đặc biệt cư dân nông nghiệp lúa nước. Có thể nói lễ hội Thái bình xướng ca mang đậm nét đặc trưng, điển hình của văn hóa làng vùng Đồng bằng sông Hồng gắn liền với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước.

Lễ hội được nhân dân làng Quả Linh thực hành, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, bảo lưu, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người nắm giữ, thực hành di sản đều đã cao tuổi, sức khỏe bị hạn chế. Đội ngũ thanh niên đi làm ăn, công tác xa, sự tác động bởi cơ chế thị trường nên các chủ thể văn hóa ít tham gia các hoạt động lễ hội. Một số hoạt động trong lễ hội truyền thống xưa như: thi đọc mục lục, thả thơ, làm rồng mây… chưa được khôi phục.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lợi Nguyễn Văn Đông, xác định lễ hội có tiềm năng kết nối với các di sản văn hóa khác trên địa bàn, tạo thành các tuyến, điểm tham quan du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đã được chú trọng. Xã xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch phục dựng các lễ hội đặc trưng, trò chơi dân gian. Đối với lễ hội Thái bình xướng ca, việc bảo tồn các công trình tín ngưỡng, như: đền Đông, đền Tây, đám Hát; phục dựng các nghi lễ, trò chơi trong lễ hội được địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện.

Xã Thành Lợi đã lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống tại các nhà trường, biên soạn tài liệu lịch sử trau dồi hiểu biết, tình yêu quê hương, đất nước với thế hệ trẻ, từ đó bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa trong đời sống.

Nguyễn Lành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm