Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt trên mảnh đất Quảng Bình

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt trên mảnh đất Quảng Bình
Chùa Hoằng Phúc tọa lạc trên một vùng đất cao ráo, rộng gần 10.000m2 tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chùa Hoằng Phúc có chiều dài lịch sử trên 700 năm, đây là một trong những đại danh lam vào loại cổ nhất miền Trung. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến và thuyết pháp giáo lý Phật giáo tại đây.

Khánh hạ niệm Phật đường chùa Hoằng Phúc. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Khánh hạ niệm Phật đường chùa Hoằng Phúc. Ảnh: Võ Dung-TTXVN

Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã xếp hạng chùa Hoằng Phúc là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Để lưu giữ di sản văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt trên mảnh đất Quảng Bình, tháng 11/2014, công trình phục dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc đã được khởi công xây dựng theo hướng chính và giữ nguyên trạng chùa cũ, theo lối chùa cổ thời nhà Trần. Đến năm 2015, chùa Hoằng Phúc được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2016, chùa đã được làm lễ khánh hạ và được Giáo hội Phật giáo Myanmar tặng viên xá lợi của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Từ đó đến nay, chùa Hoằng Phúc đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo phật tử và du khách trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Lễ rước nước tắm cho Phật một nét độc đáo đầy ấn tượng tại lễ hội chùa Hoằng Phúc. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
 
Lễ rước nước tắm cho Phật một nét độc đáo đầy ấn tượng tại lễ hội chùa Hoằng Phúc. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Lễ rước nước tắm cho Phật một nét độc đáo đầy ấn tượng tại lễ hội chùa Hoằng Phúc. Ảnh: Võ Dung-TTXVN

Ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2018 được tổ chức trang trọng với nhiều hoạt động như: lễ rước nước từ vực An Sinh lên Chùa; lễ phóng sinh; Thuyết pháp và lễ quy y Tam Bảo; lễ cầu Quốc thái dân an, Quảng Bình thịnh vượng; lễ phát lộc, thả hoa đăng và nhiều hoạt động thể thao phong phú hấp dẫn như dân ca Hò khoan Lệ Thủy, múa Vương, Tướng, Long, Hổ; hội bài chòi; thi đấu cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền…Đây là lần thứ ba lễ hội chùa Hoằng Phúc được tổ chức, với mong muốn tạo nên một nét văn hóa tâm linh nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân trong và ngoài huyện, hướng đến nhu cầu của đông đảo tăng ni, phật tử trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Hàng năm, lễ hội Chùa Hoằng Phúc tổ chức thu hút hơn 25.000 lượt khách và phật tử đến tham quan chiêm bái, cầu an. Dự kiến, Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm nay sẽ đón khoảng 30 ngàn lượt du khách đến tham quan chiêm bái và cầu an.

Cho chữ - một hoạt động ý nghĩa tại lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2018. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Cho chữ - một hoạt động ý nghĩa tại lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2018.
Ảnh: Võ Dung-TTXVN

Điểm mới của Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2018 sẽ có các hoạt động về nguồn tại bốn điểm là Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh- Miếu An Sinh – Chùa Hoằng Phúc. Các nghi lễ Phật pháp gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử…cho du khách, phật tử và đặc biệt là thanh thiếu niên. Ngoài ra, trong khuôn khổ diễn ra lễ hội sẽ tổ chức các hoạt động giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của địa phương.

Đặc sắc tại Lễ hội chùa Hoằng Phúc là lễ rước nước tại bến đò Trạm (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy) về tắm cho phật, thu hút khoảng 200 người tham gia hành hương. Theo Đại đức Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, lễ lấy nước được diễn ra vào thời điểm 0h00 ngày 3/3 tại vực An Sinh ở xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy. Vực này có vị trí phong thủy là ngã ba sông, được xem một điểm linh thiêng của dòng Kiến Giang, nước rất sâu và trong nhất. Tên gọi vực “An sinh” mang ý niệm an lành, an cư, phát triển, cầu mong sự bình an cho mọi người. Lễ rước nước tắm cho phật mang ý nghĩa tẩy uế những bụi dơ, tham, sân, si của trần gian, cầu mong năm mới với những điều may mắn, bình an, thuận hòa, hạnh phúc đến với mỗi cá nhân, gia đình và cầu an lạc, thịnh vượng cho quê hương, đất nước.

Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2018 thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi từ trong và ngoài tỉnh với nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa, thể thao. Người dân, phật tử đến chùa mang theo tâm nguyện về một năm mới quốc thái dân an, cuộc sống an lành, hạnh phúc, no đủ, tích nhiều công đức. Lễ hội Chùa Hoằng Phúc góp phần thúc đẩy hoạt động văn hóa, du lịch tâm linh của huyện Lệ Thủy nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.
Võ Dung 

Có thể bạn quan tâm