Bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang

Bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận ngày 27/10/2006, với tổng diện tích 1.188.106 ha, gồm đất liền, biển và hải đảo thuộc địa bàn 10 huyện, thị của tỉnh Kiên Giang là Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Kiên Hải, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên. Đây là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam và trong tổng số 651 Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở hơn 120 quốc gia và các khu vực xuyên quốc gia. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang kết nối 3 vùng lõi là Vườn Quốc gia U Minh Thượng; Vườn Quốc gia Phú Quốc, Khu bảo tồn biển Phú Quốc; Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Chông và đai rừng ngập mặn ven biển Tây.

 

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam cho biết, hầu hết các hệ sinh thái nhiệt đới đều có ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang như: hệ sinh thái biển và ven bờ, đồng cỏ, rừng ngập mặn, hải đảo, rạn san hô, đầm lầy, rừng tràm ngập nước theo mùa, những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh và thứ sinh trên đảo Phú Quốc, rừng trên núi đá vôi Hòn Chông còn lại duy nhất ở miền Nam. Các hệ sinh thái này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với con người, đặc biệt là trong việc duy trì, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái nơi đây, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của cả khu vực và sự tồn tại của trái đất.

 

Đánh giá của các nhà khoa học, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang trong 10 năm qua có những tiến bộ rõ rệt đã đạt được theo tiêu chí Điều 4 khung pháp lý mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới và ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể là tính đa dạng các hệ sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học; tạo cơ hội để khám phá và trình diễn các mô hình phát triển bền vững ở quy mô khu vực; diện tích phù hợp phục vụ cho 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển là bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học và môi trường; phân vùng thích hợp để phục vụ 3 chức năng; tổ chức phối kết hợp hợp lý giữa các bên liên quan để thực hiện tốt các chức năng của khu dự trữ sinh quyển; cơ chế đồng thuận thực hiện phát triển khu dự trữ sinh quyển.

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang cho biết, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang có độ đa dạng sinh học cao với hệ động, thực vật trên 2.340 loài. Trong đó, 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ và 57 loài đặc hữu; khoảng 856 loài động vật với 78 loài quý hiếm, trong đó có 36 loài đặc hữu. Hiện nay, đã ghi nhận thêm 48 loài động vật và 17 loài thực vật, với một số loài đặc hữu quý hiếm như: thằn lằn ngón Phú Quốc, thằn lằn đá ngươi tròn đuôi trắng, thằn lằn chân ngón Hòn Tre, rắn lục Hòn Sơn, thu hải đường Bà Tài, lan bầu rượu Kiên Lương…

Một góc Vườn Quốc gia U Minh Thượng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Một góc Vườn Quốc gia U Minh Thượng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
 

Theo Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, trong 10 năm qua, tổng ngân sách đầu tư trong khu dự trữ sinh quyển này hơn 5,6 triệu tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh tỉnh Kiên Giang với thế giới.

 

Cùng với đó, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang xây dựng và tăng cường mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khoa học, bảo tồn trong nước và quốc tế. Hơn 60 dự án hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động nghiên cứu bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang trong 10 năm qua, với tổng kinh phí gần 13 triệu USD. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang là trọng điểm nghiên cứu khoa học của hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới. Hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu tài nguyên, môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và có gần 250 đề tài, dự án được triển khai, ứng dụng trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang.

 

Tại hội thảo này, nhiều ý kiến đóng góp hữu ích, thiết thực và tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ chuyên môn trong công tác quản lý và bảo tồn những giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang thời gian qua. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang cho biết, những đề xuất, ý tưởng, nêu giải pháp cụ thể này nhằm giúp tỉnh Kiên Giang xây dựng hoàn chỉnh “Báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận” để báo cáo cho Ban Thư ký MAB Quốc tế tiếp tục ủng hộ phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang - Việt Nam. Đồng thời, xây dựng các định hướng quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững, hiệu quả các giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang 10 năm tới, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030./.

Có thể bạn quan tâm