Bảo tồn, phát huy Quần thể di tích Cố đô Huế ( Bài 2)

Thơ văn trên kiến trúc tại Đại Nội với chất liệu pháp lam (men), những bài thơ được trang trí ở các ô học trên mái của điện Thái Hòa theo lối nhất thi nhất họa. Ảnh: Minh Đức – TTXVN
Thơ văn trên kiến trúc tại Đại Nội với chất liệu pháp lam (men), những bài thơ được trang trí ở các ô học trên mái của điện Thái Hòa theo lối nhất thi nhất họa. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tham mưu cho các cấp chính quyền xây dựng Đề án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 - 2010; sau đó là Đề án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bảo tồn, phát huy Quần thể di tích Cố đô Huế ( Bài 2) ảnh 1Thơ văn trên kiến trúc tại Đại Nội với chất liệu pháp lam (men), những bài thơ được trang trí ở các ô học trên mái của điện Thái Hòa theo lối nhất thi nhất họa. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Bài 2 - Xác định tầm nhìn phát triển mới

Bảo tồn, phát huy Quần thể di tích Cố đô Huế ( Bài 2) ảnh 2 Khu vực tường thành trên đường Tôn Thất Thiệp không được chỉnh trang khiến cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN

Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định vai trò “hạt nhân” của Quần thể Di tích trong quá trình phát triển đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị di sản đặc thù. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về nội dung này.

* Xin ông cho biết sự cần thiết cũng như mục tiêu đặt ra đối với việc xây dựng quy hoạch lần này?

- Qua 30 năm, từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trải qua rất nhiều công cuộc cứu vãn, trùng tu di tích. Quá trình đó có nhiều thuận lợi, ưu điểm đi đôi với những khó khăn, hạn chế như: việc khoanh vùng khu vực di tích; vấn đề mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa hoạt động dân sinh, lợi ích của người dân sinh sống trong khu vực di tích với sự quản lý của Nhà nước về di sản; khó khăn trong việc huy động nguồn lực cho các dự án trùng tu; nhận diện những giá trị tiềm năng, lợi thế ở dưới góc nhìn đương đại để phát huy tối đa hiệu quả của di sản văn hóa... Trong bối cảnh chung đó, việc lập Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là cần thiết, nhằm xác định tầm nhìn phát triển mới.

Công tác lập quy hoạch lần này có 4 mục tiêu chính gồm: Nhận diện, đánh giá đầy đủ những giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế và hoàn thiện các hồ sơ, cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác chuyển đổi số, tự động hóa trong quản lý di tích, tạo lập khung pháp lý chính sách nhằm thu hút các nguồn lực nói chung; lập quy hoạch nhằm bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, tạo lập, phục hồi không gian gắn với di sản để Quần thể di tích trở thành hạt nhân, động lực trong việc phát triển, hình thành đô thị di sản theo chiến lược định hướng của Trung ương và tỉnh; lập quy hoạch để có cơ sở pháp lý, qua đó giúp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục thực hiện các dự án phục hồi, tôn tạo, trùng tu di sản; việc xây dựng quy hoạch lần này cũng là dịp để rà soát, đánh giá và hoàn chỉnh phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích.

* Thưa ông, những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng quy hoạch lần này và việc điều chỉnh khoanh vùng các khu vực di tích để tạo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển sẽ được đề cập như thế nào?

- Yêu cầu đặt ra lần này là phải lựa chọn được đơn vị tư vấn quy hoạch có năng lực, kinh nghiệm, có hiểu biết và trân trọng về giá trị di sản văn hóa. Theo đó, đơn vị này trên cơ sở đánh giá kỹ, sâu sắc tất cả các tiềm năng, lợi thế, trong đó có tính đến các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng, khu vực lân cận để đưa ra những đề xuất, giải pháp mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Việc nhận diện quy hoạch các khu vực di tích là một nhiệm vụ, nội dung lớn trong xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo Quy hoạch dự kiến sẽ được lấy ý kiến của các chuyên gia, đơn vị quản lý và cộng đồng vào khoảng cuối năm 2023 nhằm mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản cũng như đời sống của người dân, từ đó làm tiền đề để hiện thực hóa thành các thể chế, chính sách. Có thể nói, từ năm 1991, việc khoanh vùng khu vực di tích giữ vai trò quan trọng giúp cho địa phương bảo tồn và giữ được không gian của di sản. Trải qua 30 năm, kể từ khi được UNESCO vinh danh, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã vượt qua được giai đoạn nguy cấp, hiện tại là thời điểm thích hợp để đánh giá lại.

* Ông có thể chia sẻ về vấn đề huy động các nguồn lực xã hội hóa trong việc phát huy giá trị di sản Quần thể di tích Cố đô Huế trong giai đoạn tới?

- Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều đề xuất với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các “rào cản” để có hướng điều chỉnh các quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn, trên tinh thần bảo tồn nhưng phải phát huy được di sản nhằm đem lại hiệu quả kinh tế. Trung tâm đã trùng tu nhiều công trình nhưng hiện cần có cơ chế pháp lý rõ ràng, thuận lợi nhằm kêu gọi xã hội hóa đầu tư những hoạt động, sản phẩm du lịch dịch vụ để “thổi hồn” các điểm đến, tăng sức hấp dẫn thu hút du khách, tạo nguồn lực để tái đầu tư.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác bảo tồn di sản trong cả nước. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của di sản vẫn còn những hạn chế. Hiện nay, Trung tâm có một đơn vị quản lý mảng dịch vụ nhưng quy mô, sản phẩm đồ lưu niệm bán tại các điểm di tích nhìn chung chưa tương xứng, chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thể, vắng bóng những sản phẩm gắn với di sản đem lại giá trị gia tăng cao. Thời gian tới, Trung tâm hy vọng sẽ tìm được những đối tác có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để khai thác những giá trị nổi bật của Quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần nâng cao nguồn thu từ mảng dịch vụ bên cạnh nguồn thu từ vé tham quan.

* Xin ông cho biết công tác số hóa các di sản vật thể và phi vật thể, phục vụ công tác quản lý và giới thiệu đến công chúng?

- Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng bởi vì có dữ liệu đầu vào mới có thể ứng dụng công nghệ. Đơn cử như Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang sử dụng Điện Long An làm không gian trưng bày chính nhưng lại có diện tích hạn chế; vào một thời điểm chỉ có thể trưng bày được khoảng 300 hiện vật trong tổng số 11.000 hiện vật đang được lưu giữ. Trước tình hình này, trong chuyến công tác nước ngoài tại Pháp vào cuối tháng 8, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ đặt vấn đề với các cơ quan lưu trữ, bảo tàng ở Pháp để sưu tầm hồ sơ, tư liệu và thiết lập các kênh trao đổi thông tin nhằm đảm bảo các nguồn tư liệu phục vụ cho các dự án trùng tu giai đoạn tới. Vì vậy, nhu cầu số hóa để quảng bá rộng rãi các hiện vật này trên không gian mạng là rất cần thiết, tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai Đề án chuyển đổi số của đơn vị. Thời gian tới, đơn vị sẽ đưa vào ứng dụng vé điện tử, mã hóa các cổ vật để từng bước xây dựng bảo tàng trực tuyến trên không gian mạng.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Trưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm