Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa người Cơ Tu tại Đà Nẵng

Chiều 24/12, tại Bảo tàng Đà Nẵng, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang tổ chức chương trình “Trưng bày – Trình diễn di sản Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu”.

Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Dự án mô hình “Di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng”; Cục Di sản văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tại Đà Nẵng tổ chức triển khai chương trình tập huấn thực hành di sản “Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu”.

Bao ton, phat huy gia tri di san van hoa nguoi Co Tu tai Da Nang hinh anh 1Người Cơ Tu tham gia lớp tập huấn trình diễn các điệu múa Tung tung da dá phục vụ người dân và du khách. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Qua lớp tập huấn trong tháng 11/2022, các nghệ nhân, học viên đã được học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề dệt thổ cẩm. Đây sẽ trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện Hòa Vang trong thời gian tới.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, chương trình nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; qua đó sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng.

Bao ton, phat huy gia tri di san van hoa nguoi Co Tu tai Da Nang hinh anh 2Người Cơ Tu tham gia lớp tập huấn trình diễn dệt thổ cẩm tại chương trình. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Ông Phạm Cao Quý, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản Văn hóa phi vật thể của Cục Di sản Văn hóa cho biết, sau quá trình tham gia tập huấn, thực hành, các thành viên trong lớp tập huấn đã đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Bà con người Cơ Tu đã biết cách giữ gìn, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Đây cũng là dịp để nâng cao năng lực cho chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc sử dụng, vận hành mô hình kết nối di sản tương đồng để bảo vệ, phát huy giá trị di sản của cộng đồng gắn với phát triển du lịch.

Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang chia sẻ, qua đợt tập huấn, người dân Cơ Tu đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn các bản sắc văn hóa của đồng bào mình, đặc biệt đã biết được cách làm thế nào để các nghề truyền thống của đồng bào được trường tồn qua các cách tự quảng bá, giới thiệu, bán các sản phẩm trên các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; qua đó lớp tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào Cơ Tu tại địa phương.

Bao ton, phat huy gia tri di san van hoa nguoi Co Tu tai Da Nang hinh anh 3Người Cơ Tu tham gia lớp tập huấn trình diễn các điệu múa Tung tung da dá tại chương trình. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Tại chương trình, đồng bào người Cơ Tu tham gia đợt tập huấn đã biểu diễn dệt thổ cẩm, giới thiệu các sản phẩm, trang phục Cơ Tu; trình diễn các điệu múa Tung tung da dá, múa mừng lúa mới, vũ điệu săn bắt, trồng trọt… phục vụ người dân và du khách tham quan tại Bảo tàng.

Trần Lê Lâm

Tin liên quan

Nét đẹp văn hoá của người Cơ Tu ở Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng hiện có 1.198 người là đồng bào dân tộc Cơ Tu, tập trung sinh sống tại xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh của huyện Hòa Vang. Người đồng bào dân tộc Cơ Tu tại đây còn lưu giữ, bảo tồn, phục dựng lại được nhiều giá trị văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng riêng như: Trang phục truyền thống, nhà Gươl, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, múa tung tung dá dá, cồng, chiêng… Thời gian qua, chính quyền thành phố và người dân Đà Nẵng đã chung tay bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống này nhằm góp phần phát triển du lịch, giúp người dân tại đây phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.


Bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu thành phố giai đoạn 2022 - 2030, kinh phí dự kiến hơn 31 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.


Người Cơ Tu gìn giữ sắc màu thổ cẩm

Mỗi tối, khi núi rừng dần tĩnh lặng, những tiếng lách cách lại vang lên trong các gia đình người Cơ Tu ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Đó là tiếng dệt vải của các chị em trong Tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc, những người tiên phong gìn giữ nghề dệt vải thổ cẩm của cha ông sau thời gian dài bị mai một.



Đề xuất