Bảo tồn nhà sàn truyền thống dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Ngọc Lặc

Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, người Mường chiếm hơn 70% dân số. Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào ở đây đã xây dựng nhà theo kiến trúc mới, hiện đại. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn giữ những nếp nhà sàn theo kiến trúc truyền thống của của dân tộc mình. Địa phương này đang nỗ lực bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường bằng việc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Bao ton nha san truyen thong dan toc Muong gan voi phat trien du lich cong dong o huyen Ngoc Lac hinh anh 1Ngôi nhà sàn của gia đình bà Phạm Thị Sáu (thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc) có tuổi đời gần 100 năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ngôi nhà sàn của gia đình bà Phạm Thị Sáu (thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc) có tuổi đời gần 100 năm. Ngôi nhà có ba gian hai chái, 2 cầu thang lên xuống, giữa nhà là nơi thờ tổ tiên và tiếp khách nam giới, bên trong là bếp đồng thời là nơi sinh hoạt của phụ nữ trong nhà. Nhà sàn của gia đình bà Sáu có nhiều ô cửa sổ xung quanh để đón không khí, ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đây là một trong 10 ngôi nhà sàn có kiến trúc gỗ đẹp nhất được huyện Ngọc Lặc chọn là nơi bảo tồn không gian nhà sàn truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch để nơi đây trở thành điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của địa phương.

Bà Phạm Thị Sáu chia sẻ, có một số đoàn khách đến Thạch Lập để tham quan, du lịch nhưng chưa ở lại lưu trú. Gia đình bà mong muốn được tham gia các lớp tập huấn, tham quan học hỏi để về áp dụng phục vụ du khách và có thêm thu nhập cho gia đình.

Cũng giống gia đình bà Sáu, để chuẩn bị làm du lịch cộng đồng, 9 hộ khác tại làng Lập Thắng được chọn thí điểm cũng rất phấn khởi. Các hộ đang hoàn tất điều kiện sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại đây.

Bao ton nha san truyen thong dan toc Muong gan voi phat trien du lich cong dong o huyen Ngoc Lac hinh anh 2Nhiều nhà sàn thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, có tuổi đời gần 100 năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ông Phạm Văn Phẩm, thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập cho biết, trong tâm thức người Mường, nhà sàn không chỉ là chỗ ở mà còn là biểu hiện của lối sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Mường. Mặc dù ngôi nhà sàn đơn giản nhưng chứa đựng cả một kho tàng văn hóa lịch sử vô cùng đặc sắc từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” cho đến hôm nay. Vì thế, khi chính quyền địa phương chọn nhà sàn của gia đình làm du lịch, chúng tôi rất phấn khởi, tới đây gia đình sẽ tu sửa để vừa bảo tồn giá trị truyền thống của nhà sàn người Mường vừa đáp ứng tiêu chuẩn mô hình lưu trú phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống, xã Thạch Lập còn có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng. Tiêu biểu nhất là Hang Gió, đồi Hích, Thác Cha, hang Quăn. Ngoài ra, còn có các thửa ruộng bậc thang thấp... , tạo nên sự đa dạng, phong phú về điểm đến cho khách du lịch. Tới đây, du khách có thể lưu trú, sinh hoạt cùng các hộ dân hoặc trải nghiệm tại nhà nghỉ, khách sạn hoặc sử dụng loại hình lưu trú trải nghiệm thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, tắm suối...

Có thể khẳng định, việc định hướng phát triển du lịch cộng đồng đã làm thay đổi ý thức người dân nơi đây. Người dân đã chủ động, tích cực thay đổi diện mạo môi trường cảnh quan làng xóm như: Lắp điện chiếu sáng, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường; giữ gìn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực. Người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà bắt đầu tìm hướng làm ăn, phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Việc xây dựng khu du lịch cộng đồng tại làng Lập Thắng (xã Thạch Lập) gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường đang mở ra cơ hội để khai thác tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương. Từ đó tạo thành nguồn lực phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện.

Bao ton nha san truyen thong dan toc Muong gan voi phat trien du lich cong dong o huyen Ngoc Lac hinh anh 3Nhiều nhà sàn thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, có tuổi đời gần 100 năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo kết quả rà soát của UBND huyện Ngọc Lặc, trên địa bàn hiện có 1.465 nhà sàn, trong đó riêng tại xã Thạch Lập có hơn 700 nhà sàn truyền thống, trong đó nhiều nhà sàn có tuổi đời trên dưới 100 năm.

Để bảo tồn và phát huy nét đẹp nhà sàn truyền thống của người Mường, huyện Ngọc Lặc đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025” với những bước đi, lộ trình cụ thể. Việc xây dựng đề án chính là cơ sở thực hiện hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch nhằm khai thác tiềm năng di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn của huyện. Dự kiến, đầu năm 2022, các nhà sàn của người Mường tại xã Lập Thắng sẽ mở cửa đón khách theo hình thức du lịch cộng đồng.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc khẳng định, để bảo tồn và phát triển nhà sàn truyền thống Mường, huyện đã chọn du lịch cộng đồng là loại hình có thể đáp ứng khá tốt nhu cầu khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu giá trị văn hóa cộng đồng cho du khách. Làng Lập Thắng, xã Thạch Lập hiện được coi là điểm hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường. Trước mắt, huyện hoàn thiện các nhà làm điểm trước, năm 2021 sẽ làm 10 nhà cùng hạng mục như cảnh quan, vị trí chụp ảnh cho thanh thiếu niên đến chơi, nhà vệ sinh sinh công cộng, làm nhà sàn truyền thống với quy mô 7 gian. Dự kiến đầu năm 2022 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.

Được biết, để thực hiện hiệu quả đề án, thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, từng bước đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng cũng như tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá điểm du lịch, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Huyện phấn đấu giai đoạn 2021-2025 sẽ bảo tồn được khoảng 400 nhà sàn truyền thống người Mường, nâng tổng số nhà sàn truyền thống trên địa bàn huyện lên khoảng 1.800 nhà sàn.

Việc xây dựng khu du lịch cộng đồng tại làng Lập Thắng gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường đang mở ra cơ hội để huyện Ngọc Lặc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương. Mong rằng, những nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mường huyện miền núi Ngọc Lặc tiếp tục được giữ gìn, phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Hoa Mai - Đình Nam

Tin liên quan

Đặc sắc lễ Mát nhà của đồng bào dân tộc Mường

Trong khuôn khổ các hoạt động nhân sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình đã tái hiện nghi lễ Mát nhà đặc sắc của dân tộc mình.


Nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường

Mường Khụ là một vùng núi cao của huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) bao gồm ba xã: Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, Tự Do. Nơi đây còn lưu giữ được khá đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Với những truyện cổ và điệu hát dân ca cổ như: Hát Thường Rang, Bộ Mẹng, hát Đúm giao duyên khá nổi tiếng được lưu truyền từ những năm 60, 70 thế kỷ trước. Trong các dịp vui, thanh niên, nam nữ thường hát đối thâu đêm, suốt sáng. Khi đến hát, người con trai thường xin phép bố mế trong nhà, chính quyền để hát đối. Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, những khúc hát truyền thống này đang bị mai một dần. Chính vì thế, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều nghiên cứu, tổ chức hội thảo để "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Thường Rang, Bộ Mẹng, hát Đúm giao duyên dân tộc Mường, huyện Lạc Sơn".


Thanh Hóa đăng cai Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường lần thứ II

Nhằm tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, từ ngày 10-12/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường lần thứ II với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 6 tỉnh, thành phố gồm Thanh Hóa, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ và Bình Phước. Ngoài ra tại Ngày hội còn có sự tham gia, giao lưu của Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Hủa Phăn (Lào).


Dân tộc Mường

Người Mường sống tập trung thành làng xóm ở chân núi, bên sườn đồi, nơi đất thoải gần sông suối... ở tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá, Phú Thọ. Mỗi làng có khoảng vài chục nóc nhà, khuôn viên của mỗi gia đình thường nổi bật lên những hàng cau, cây mít. Ðại bộ phận ở nhà sàn, kiểu nhà bốn mái.


Nhà ở của người Mường Phú Thọ

Ở một số xã của người Mường ( Phú Thọ), vẫn còn có những cụm nhà sàn truyền thống. Thậm chí còn những cụm nhà sàn núp vào chân núi trông thật đẹp.



Đề xuất