Bảo tồn nghệ thuật hát Aday

Bảo tồn nghệ thuật hát Aday
Những điệu múa, lời ca của đồng bào dân tộc Khmer vẫn xuất hiện trên sân khấu ở Hậu Giang, nhưng Aday thì chưa.
Những điệu múa, lời ca của đồng bào dân tộc Khmer vẫn xuất hiện trên sân khấu ở Hậu Giang, nhưng Aday thì chưa.

Anh Huỳnh Út, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Dù kê phường III, thành phố Vị Thanh, khá bất ngờ khi hỏi đến nghệ thuật hát Aday. Anh bảo rằng đi học nhiều bài hát dân tộc mình, nhưng Aday thì chưa, chỉ biết đó là dạng giống như hò đối đáp. Vì thế, trong CLB Dù kê của mình, đa phần là các bạn trẻ cũng chưa hề biết. “Nếu có những lớp tập huấn về nghệ thuật này thì tôi sẽ xung phong đi học liền, để về còn chỉ dạy cho các em trong CLB, rồi trong cộng đồng người dân tộc, để cùng giữ gìn và phát huy nó…”, anh Út nói.

Suy nghĩ của anh Huỳnh Út cũng là tâm tư của không ít người Khmer trên địa bàn tỉnh. Đi một vòng ở những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, khi hỏi đến Aday, hầu như chỉ nhận được những cái lắc đầu, bởi họ cũng chưa từng nghe. Ngay cả những cuộc thi hát dân ca toàn quốc cũng chưa có đơn vị nào mạnh dạn đầu tư thể loại này, mà chỉ quanh quẩn các bài thông dụng, múa răm vông, dù kê, lâm thôn… Đây chính là lý do mà trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020 có đề cập phần truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Từ đó, các tỉnh, thành Nam bộ có đồng bào Khmer sinh sống sẽ xây dựng đề án thực hiện, trong đó có Hậu Giang. Theo đó, Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Dân tộc Khmer chiếm hơn 3% dân số của tỉnh, sinh sống rải rác ở 31 ấp, thuộc 23 xã, phường trong tỉnh. Họ luôn chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ngôi chùa được xem là một giá trị văn hóa vật thể đặc biệt, là nơi dân cư tập trung và diễn ra hầu hết các lễ hội cộng đồng và còn là trường học cho thế hệ trẻ. Bởi thế, đây là một trong những nơi khơi nguồn việc truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật văn hóa, văn nghệ đặc sắc của dân tộc. Sư cả chùa Hamamangkol (phường III, thành phố Vị Thanh) Danh Chành Thương cho biết, ông luôn tạo điều kiện để các CLB văn nghệ có điểm sinh hoạt tại chùa. Đây là niềm vui, bởi những nét hay của dân tộc mình vẫn được mọi người quan tâm. Nếu nghệ thuật hát Aday được truyền dạy, ông rất sẵn lòng tạo điều kiện, như đã từng tạo điều kiện cho CLB Dù kê của phường thời gian qua, để bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc.

Aday là cách hát đối đáp giữa hai bên trai và gái, mang nhiều nội dung phong phú. Khi là lời ví von quen thuộc, khi là lời ướm hỏi, trao tình. Có khi hát kèm múa, múa vờn nhau hoặc hóa trang bằng mặt nạ. Nội dung những bài hát ca ngợi làng xóm bình yên, cuộc sống no ấm trong phum sóc…

Ông Nguyễn Thanh Triều, Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, cho biết là đơn vị được cơ quan chủ quản giao nhiệm vụ xây dựng đề án, ông nhận thấy đề án rất hay. Bởi qua khảo sát khi xây dựng đề án, thì nghệ thuật hò vè, trình diễn dân gian đang dần mai một, thất truyền. Nhất là Aday đang mai một dần trong nét văn hóa đặc trưng của người Khmer… Loại hình này trở nên xa lạ đối với đa phần người Khmer ở Hậu Giang, vì ở Hậu Giang chưa có CLB nào về loại hình nghệ thuật này. Nếu được giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện, trường sẽ tiến hành đi khảo sát để tìm rà soát, để tìm nơi tổ chức những lớp truyền dạy. Chắc chắn những lớp này sẽ tổ chức tại nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Còn đội ngũ giảng dạy cũng sẽ tìm và chọn lọc những nghệ nhân giỏi ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng…

Theo đề án, lộ trình thực hiện sẽ khảo sát thực trạng loại hình Aday trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 và sẽ tiến hành mở lớp truyền nghề từ năm 2016-2019, mỗi năm 2 lớp về phương pháp trình diễn cơ bản về nghệ thuật Aday. Đến năm 2020, sẽ tập trung mở một lớp nâng cao nghệ thuật trình diễn hát Aday, liên hoan nghệ thuật hát Aday và tổng kết 5 năm thực hiện đề án. Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, nói: “Dù đề án đã được phê duyệt, nhưng chưa có kinh phí thực hiện. Ngành cũng đã dự trù tổng kinh phí khoảng hơn 1 tỉ đồng, nhưng phần này chưa được duyệt. Chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện, khi có kinh phí sẽ tiến hành ngay. Các đơn vị trực thuộc ngành được giao cùng thực hiện đề án này, ngoài Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, còn có Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa tỉnh, cùng các đơn vị mà ngành sẽ liên kết để thực hiện như Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh…”.
Theo baohaugiang.com.vn

Có thể bạn quan tâm