Bảo tồn, gìn giữ "linh hồn" của làng quê Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới

Bảo tồn, gìn giữ "linh hồn" của làng quê Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới
Yên Bái bảo tồn văn hóa dân tộc Tày bên hồ Thác Bà. Ảnh: Đinh Đức Tưởng - TTXVN
Yên Bái bảo tồn văn hóa dân tộc Tày bên hồ Thác Bà.
Ảnh: Đinh Đức Tưởng - TTXVN
Chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Bà Đỗ Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bến Tre luôn chú trọng khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Có thể kể đến một số hoạt động như: Liên hoan hát dân ca Bến Tre, diễn xướng Hát sắc bùa Phú Lễ, Liên hoan đờn ca tài tử, nhạc lễ, hát bội… Thông qua các hoạt động văn hóa dân gian, truyền thống, tỉnh muốn tạo ra môi trường thuận lợi, lành mạnh để con người Bến Tre phát triển các giá trị chân - thiện - mỹ; kế thừa và phát huy tốt tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách… Bên cạnh dấu ấn của văn hóa vùng Kinh Bắc như hát quan họ, ca trù, chầu văn… kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Giang cũng rất phong phú, tiêu biểu như hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, Sình ca của dân tộc Cao Lan, nghi lễ Then của người Tày - Nùng, lễ cấp sắc dân tộc Dao, Sán Dìu,… Xác định văn hóa giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm, thực hiện công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa làng quê nông thôn mới. Có thể kể đến hoạt động bảo tồn dân ca quan họ, ca trù; bảo tồn dân ca các dân tộc Sán Chay, Dao, Tày, Nùng…; thực hiện các chương trình truyền dạy tiếng nói, chữ viết, dạy hát dân ca dân tộc thiểu số; thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ dân ca các dân tộc thiểu số như câu lạc bộ Then xã Thái Đào (huyện Lạng Giang), câu lạc bộ Soong Hao xã Phồn Sương (huyện Yên Thế), câu lạc đàn, hát dân ca huyện Yên Dũng….   Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang còn triển khai các chương trình kiểm kê phi vật thể, tổ chức các hội thảo khoa học, xây dựng Đề án tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang... Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, xây dựng nếp sống văn hóa làng quê nông thôn mới. Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cũng xác định giữ gìn bản sắc văn hóa có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, chính quyền các cấp cùng nhân dân chú trọng thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tính đến nay, huyện Sơn Dương đã có hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Có thể kể đến câu lạc bộ hát Soọng cô, Sình ca của các xã Đại Phú, Thiện Kế, Ninh Lai, Sơn Nam; câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của các xã Tân Trào, Trung Yên...  khôi phục và tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội cầu may, lễ hội cầu mùa xã Tân Trào; lễ hội Đình Thọ Vực xã Hồng Lạc; lễ hội Đình Quang Tất xã Hào Phú... Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong xây dựng nông thôn mới được nhiều tỉnh, thành quan tâm, bởi đó không chỉ là những giá trị văn hóa ông cha ngàn đời để lại, mà đó còn là tài sản vô giá, sản phẩm văn  hóa – du lịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng thiết thực của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới.Nâng cao ý thức của cộng đồng Báo cáo của Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới cho thấy, 10 năm qua, đã có gần 40 bản, buôn, làng truyền thống của 30 dân tộc, thuộc các tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn. Hàng trăm lễ hội truyền thống tiêu biểu được phục dựng, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của đồng bào; mở các lớp truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cho cộng đồng các dân tộc... Ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được thụ hưởng các dự án, các thiết chế văn hóa truyền thống. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục, nghề thủ công truyền thống… được bảo tồn, gìn giữ. Vụ Văn hóa dân tộc cũng chủ trì tham mưu định kỳ tổ chức các ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa các dân tộc. Qua đó, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc… Các hoạt động này đã góp phần nâng cao ý thức tự giác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc… Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách như: mô hình nhà rông của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên; nhà sàn của người Tày, Thái, Mường vùng núi phía Bắc... Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định: Bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng là một trong những nội dung trọng tâm mà Bộ luôn quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện. Sự quan tâm đó đã được cụ thể hóa bằng các đề án, dự án có ý nghĩa quan trọng như góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn. Có thể kể đến một số dự án như: “Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các dân tộc thiểu số” vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm xây dựng thành mô hình bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc hiệu quả, thiết thực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Dự án “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” với mục tiêu gắn kết các chương trình phát triển kinh tế với việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, giữ bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch một cách đồng bộ, hiệu quả; Đề án tổ chức định kỳ Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…  Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng là nội dung cốt lõi trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Việc triển khai xây dựng và phát triển các mô hình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp trong phong trào xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt về bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc. Từ đó, các địa phương tạo nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, loại bỏ hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Phương Lan

Có thể bạn quan tâm