Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong trang phục của đồng bào Mông

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong trang phục của đồng bào Mông
Phụ nữ Mông ở Sa Lông rất điêu luyện trong việc thêu thùa hoa văn lên trang phục. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Phụ nữ Mông ở Sa Lông rất điêu luyện trong việc thêu thùa hoa văn lên trang phục. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Xã Sa Lông nằm dưới chân đèo Ma Thì Hồ, là nơi quần cư của nhiều dân tộc, trong đó có người Mông hoa. Điểm nổi bật của đồng bào Mông nơi đây là bộ trang phục truyền thống được thêu bởi những hoa văn độc đáo, sống động bằng sự tỷ mỷ, kỳ công của người phụ nữ. Với đồng bào người Mông ở Sa Lông, từ xa xưa, bộ trang phục truyền thống được truyền đời và có sức sống lâu bền vượt mọi biến thiên của lịch sử. Đặc biệt hơn, bộ trang phục được thực hiện với nghệ thuật dân gian rất kỳ công, đó chính là kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong. Kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục bằng sáp ong phải thực hiện qua nhiều công đoạn như: chọn lựa lấy sáp ong, sơ chế thành sáp dùng để vẽ hoa văn trên vải, kỹ thuật thêu, chắp ghép hoa văn hoàn tất bộ trang phục truyền thống. Nói về những công đoạn vẽ hoa văn bằng sáp ong lên trang phục, chị Thào Thị Cở, bản Cheo Ly (xã Sa Lông) cho biết: Công đoạn đầu tiên là lựa chọn sáp ong (có hai loại: màu vàng là sáp non và màu đen là sáp già), lấy hết mật rồi nấu sáp cho đến khi nóng chảy. Sau đó, hai loại sáp đem trộn với nhau theo lượng vừa đủ. Khi bắt đầu vẽ sáp lên váy, sáp phải luôn được đun với nhiệt độ cao. Bút để vẽ là một thanh tre nhỏ dài khoảng 7 cm, đầu ngòi bút được nẹp vào giữa thanh tre là lá đồng hình tam. Vẽ sáp ong trên vải, người vẽ dùng một cái lu cở, trên miệng lu để một miếng gỗ. Miếng gỗ là một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn. Sau khi vẽ xong, tấm vải được đưa vào nồi nước đang sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, để lộ những nét hoa văn đẹp trên nền vải.
Phụ nữ Mông ở Sa Lông rất điêu luyện trong việc thêu thùa hoa văn lên trang phục. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Phụ nữ Mông ở Sa Lông rất điêu luyện trong việc thêu thùa hoa văn lên trang phục. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Với những bí truyền trong kỹ thuật vẽ sáp ong, thêu hoa văn trên trang phục đã tạo nên sản phẩm trang phục truyền thống mang vẻ đẹp duyên dáng mà dung dị. Mỗi họa tiết, hoa văn trên trang phục là biểu trưng của người Mông từ thời xa xưa. Họ gửi gắm vào đó những nét đặc sắc của cuộc sống; gửi gắm trong từng đường kim, nét vẽ trách nhiệm với gia đình, dòng tộc, xã hội những ý niệm về vũ trụ, về nhân sinh quan, thế giới quan, về thiên nhiên, về cuộc sống mang đậm triết lý nhân sinh, thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người. Chị Hàng Thị Dợ, bản Cổng Trời (xã Sa Lông) cho biết, mỗi họa tiết trang trí trên trang phục đều có ý nghĩa đặc biệt với đồng bào Mông. Nó liên quan đến đời sống hàng ngày của bà con cũng như những giá trị về văn hóa, tâm linh từ đời cha ông truyền lại, như họa tiết hình sừng trâu, ốc sên hay những dãy núi chập chùng đều mang ý nghĩa đặc biệt. Những hoa văn khi được thêu lên trang phục không những tạo nên vẻ đẹp, nét nổi bật cho trang phục mà còn giúp người mặc thêm năng lượng để vượt qua mọi gian khó trong cuộc sống. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, việc vẽ hoa văn lên trang phục bằng sáp ong đang dần mai một. Hiện, xã Sa Lông chỉ còn một vài người lớn tuổi giữ gìn và biết cách thực hiện vẽ sáp ong, thêu hoa văn trên vải. Những nghệ nhân đang từng ngày truyền dạy nghề cho con cháu mình kỹ thuật đó để giữ gìn nét đẹp truyền thống của đồng bào Mông hoa.
Trang phục của phụ nữ Mông ở Sa Lông rất đặc sắc. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Trang phục của phụ nữ Mông ở Sa Lông rất đặc sắc. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Nghệ nhân Hồ Thị Thàng, ở bản Sa Lông cho hay, bà bắt đầu học cách tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống từ khi 4 tuổi. Sau thời gian đi nương về, bà lại được mẹ dạy cách vẽ hoa văn, mỗi họa tiết mỗi công đoạn đều được làm cẩn thận, tỷ mỷ và mất rất nhiều thời gian. Hiện tại, tuổi đã cao, bà mong muốn được truyền lại kỹ thuật này cho con cháu để thế hệ mai sau có thể vẫn giữ gìn nét bản sắc, giá trị văn hóa trên mỗi bộ trang phục. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Đào Ngọc Lượng cho biết: Kỹ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của đồng bào Mông hoa được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhằm khuyến khích người dân gìn giữ và phát huy giá trị di sản lưu truyền trong cộng đồng, tạo sự chuyển biến sâu rộng trong công tác bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc. Do vậy, phục hồi, duy trì việc trồng lanh dệt vải, vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa là cách tạo điểm nhấn, thu hút khách tham quan, góp phần phát huy giá trị của di sản văn hóa, qua đó bảo tồn lâu dài trong nhân dân. Theo đó, địa phương cần bảo vệ khẩn cấp di sản vì những nghệ nhân hiểu biết sâu sắc ý nghĩa của các họa tiết hoa văn, nắm vững kỹ thuật, bí quyết nghề không còn nhiều; cần có sự chung tay giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các cấp, các ngành và của mỗi người dân.
Những đôi tay khéo léo và tinh tế để thêu được những hoa văn tinh xảo lên trang phục. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Những đôi tay khéo léo và tinh tế để thêu được những hoa văn tinh xảo lên trang phục. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Kỹ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trên trang phục truyền thống được xem như vốn tri thức dân gian quý giá, được biểu đạt qua các họa tiết hoa văn trên trang phục của người Mông hoa như “những trang ký sử” đầy sống động trong suốt chiều dài lịch sử sinh tồn, phát triển trên dải đất biên cương Tổ quốc của một nhóm, tộc người để chúng ta thêm mến yêu bức tranh văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam. Việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này sẽ mang lại tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ việc kế thừa, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Văn Dũng – Xuân Tư

Có thể bạn quan tâm