Bảo tồn giá trị đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng

Bảo tồn giá trị đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nằm trong địa giới hành chính xã Sơn Lang huyện K’Bang (Gia Lai) có đường ranh giới dài 75 km, trong đó 2/3 giáp ranh với ba tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định được xếp loại A tầm quốc tế về đa dạng sinh học. Với chế độ bảo tồn nghiêm ngặt, Khu Bảo tồn thiên nhiên này đang là nơi sinh sống và phát triển của 80 loài thú, 288 loài chim, 33 loài cá, 38 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư, 211 loài côn trùng và hơn hàng trăm loài thực vật.

Bảo tồn giá trị đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng ảnh 1Nhà trưng bày tiêu bản động thực vật trong khu Bảo tồn Kon Chư Răng với hơn 400 loài thực vật, hơn 1.000 loài động vật phục vụ nghiên cứu, tham quan. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo đó, trên diện tích hơn 15.000 ha đất rừng đặc dụng, Kon Chư Răng có 881 loài và dưới loài thuộc 547 chi và 162 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Rừng tại đây chủ yếu là rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp, đặc biệt có thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa ẩm ướt nhiệt đới núi thấp, độc đáo với ưu hợp hỗn giao giữa Hoàng Đàn giả, Thông nàng, Hoa Khế và các loài cây lá rộng khác.

Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết, để bảo tồn, phát huy các giá trị đa dạng sinh học vốn có, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, khám phá nhằm bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học này, đồng thời xây dựng một nhà trưng bày tiêu bản động thực vật với hơn 400 loài thực vật, hơn 1.000 loài động vật phục vụ nghiên cứu học tập, tham quan, giáo dục môi trường cho nghiên cứu sinh, học sinh và khách tham quan.

Trong đó, Ban Quản lý đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ hệ sinh thái rừng hỗn giao lá rộng lá kim phân bố ở xã Sơn Lang, huyện K'bang (Gia Lai) với diện tích: khoảng 6.000 ha. Quy hoạch bảo vệ các loài linh trưởng và sinh cảnh; Quy hoạch bảo vệ động vật thủy sinh và sinh cảnh của chúng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Đặc biệt, để bảo tồn các nguồn gen nguy cấp, quý hiếm hiện có, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã đề xuất nhiệm vụ khoa học bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, điều tra đa dạng cây thuốc, kết hợp nghiên cứu sàng lọc lựa chọn các loài có hoạt tính sinh học kháng tế bào ung thư. Đồng thời, đề xuất các biện pháp bảo tồn, xây dựng vườn cây thuốc, phát triển nguồn dược liệu; Bảo tồn nguồn gen các loại chi Thanh Mai, các loài ong dú tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Ngoài ra, Khu Bảo tồn đã xác định các loài linh trưởng có trong khu bảo tồn như vượn má hung, voọc chà vá chân xám, các loài khỉ, cu li và đề xuất kế hoạch điều tra, giám sát hai loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trong giai đoạn 2021-2022 là quần thể vượn đen má hung và voọc chà vá chân xám.

"Hiện tại, Khu Bảo tồn có một vườn ươm để gieo ươm các loại cây nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu với diện tích 600m2. Trong phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030, đơn vị đề xuất nhiệm vụ xây dựng vườn thực vật rộng 130 ha, để bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học" - ông Trịnh Viết Ty cho biết thêm.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm