Bảo tồn động vật hoang dã: Nguy cơ nhìn từ việc gây nuôi cá sấu

Bảo tồn động vật hoang dã: Nguy cơ nhìn từ việc gây nuôi cá sấu
Từ vài thành công điển hình

Trên thế giới vẫn có một số ít các trường hợp động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được gây nuôi thành công và được buôn bán, trao đổi ở mức ổn định, đem lại lợi ích cho những người triển khai, đồng thời động vật hoang dã cũng được bảo tồn thành công ngoài tự nhiên. Có thể lấy ví dụ trường hợp các cơ sở gây nuôi cá sấu ở Mỹ hoạt động rất thành công và số lượng cá sấu hoang dã cũng tăng lên. Việc gây nuôi cá sấu nước mặn ở Australia cũng đã được thực hiện ổn định và thành công mà số lượng cá thể ngoài tự nhiên vẫn tăng. Nhưng đó chỉ là những trường hợp rất hiếm hoi.

Ở Việt Nam, trường hợp tái thả thành công khi một số lượng ít các cá thể cá sấu Xiêm đã được chuyển từ các cơ sở gây nuôi về tái thả tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Một quần thể nhỏ cá sấu Xiêm hiện vẫn đang sinh sản ở hồ Cát Tiên cho đến nay. Đó là điểm sáng duy nhất giữa rất nhiều tiêu cực của ngành công nghiệp gây nuôi thương mại động vật hoang dã.

Cá sấu nuôi nhốt. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN
Cá sấu nuôi nhốt. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Hệ quả từ gây nuôi

Từ một vài điển hình, các nước Đông Dương cũng cho phép gây nuôi cá sấu như một biện pháp bảo tồn. Theo Tổ chức Động vật hoang dã quốc tế, sự hình thành ngành công nghiệp gây nuôi cá sấu vào những năm 50 của thế kỷ 20 đã kích thích nhu cầu lớn phải khai thác cá sấu trong tự nhiên để đưa vào các cơ sở gây nuôi. Tính đến năm 2016 có hơn 2.500 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã ở bán đảo Đông Dương, đa phần các cá thể trong đó có nguồn gốc từ tự nhiên. Hơn 1100 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam với hàng trăm ngàn cá thể cá sấu, trong khi có dưới 20 cá thể cá sấu Xiêm trưởng thành còn sót lại trong tự nhiên. Rất nhiều khu vực sông, hồ - nơi cá sấu sinh sống đã bị các tay săn trộm xóa sổ nhằm khai thác cá sấu cung cấp cho các trang trại. Vẫn còn nhiều người thích tiêu thụ động vật hoang dã tự nhiên hơn bởi họ cho rằng động vật tự nhiên tốt hơn động vật trong trang trại. Sự phát triển của các cơ sở gây nuôi đã dẫn đến sự diệt vong của loài cá sấu Xiêm trong tự nhiên, đồng thời gây suy giảm các quần thể của chúng trong tự nhiên ở một số quốc gia lân cận như Campuchia, Lào.

Cho dù những cơ sở này có thành công trong việc nuôi cá sấu, chi phí săn bắt cá sấu ngoài tự nhiên vẫn rẻ hơn so với gây nuôi, tạo áp lực lớn đối với quần thể cá sấu trong tự nhiên. Ngày càng nhiều cá thể cá sấu bị săn bắt từ tự nhiên để đưa về các cơ sở gây nuôi. Các cơ sở này đã tạo ra nhiều lỗ hổng, khiến việc buôn bán trái phép cá sấu trở nên dễ dàng hơn.

Việc cho phép tự do thương mại cá sấu trên thị trường sẽ rất khó để các cán bộ thực thi pháp luật có thể phân biệt giữa cá sấu được gây nuôi hợp pháp và cá sấu bị săn bắt trái phép ngoài tự nhiên. Cơ quan quản lý còn rất lúng túng trong giải quyết các thủ tục cấp phép gây nuôi bảo tồn và gây nuôi thương mại. Nếu không có các biện pháp quản lý phù hợp, các quy chế bảo vệ chặt chẽ, ngành công nghiệp gây nuôi động vật hoang dã sẽ tiếp tục gây ra những áp lực đối với quần thể tự nhiên, và sẽ rất khó để bảo vệ chúng.

Một hệ quả nữa là những ảo tưởng rằng công tác bảo tồn vẫn đang diễn ra trong khi thực tế số lượng loài này đang ngày càng sụt giảm nhanh chóng. Trong nhiều năm trời, nhiều nhà bảo tồn đã cho rằng gây nuôi thương mại sẽ giúp cá sấu tránh khỏi việc bị săn bắt ngoài tự nhiên, thậm chí một số quỹ bảo tồn còn tài trợ cho các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Điều này là không đúng bởi số tiền đó có thể dùng vào việc bảo vệ cá sấu trong tự nhiên ngay từ đầu.

Trong một số trường hợp, động vật hoang dã như cá sấu, hổ thoát khỏi cơ sở nuôi gây nguy hiểm và đe dọa tới mạng sống của con người, vì khi cấp giấy phép không chú ý tới tiêu chuẩn chuồng trại và các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho xã hội. Các loài động vật được nuôi nhốt có nguy cơ giảm khả năng đề kháng đối với một số bệnh nguy hại, các loài ký sinh trùng và cũng là mầm mống cho một số bệnh khác.

Nghiêm cấm gây nuôi thương mại

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, trong nuôi nhốt hiện nay chưa thấy rõ mục tiêu bảo tồn. Việc gây nuôi thương mại một số loài thông thường có thể chấp nhận được trên cơ sở cân nhắc các đặc tính sinh thái, khả năng sinh sản,... Nhưng việc nuôi thương mại các loài nguy cấp, quý, hiếm cần được nghiêm cấm, đặc biệt với những loài có khả năng đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao.

Theo bà Jenny Daltry, Tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế, thời điểm hiện tại các nước Đông Dương chưa sẵn sàng cho việc gây nuôi động vật hoang dã. Tuy vậy, các nước này cần phải đầu tư hơn nữa vào công tác bảo vệ, thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng để có thể đi tới gây nuôi thương mại một cách hiệu quả.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên kiến nghị công tác bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm không thể diễn ra song hành với hoạt động gây nuôi thương mại những loài này. Các khu bảo tồn phải có nguồn kinh phí ổn định để chăm sóc động vật, bảo vệ động vật hoang dã trong chính môi trường sống tự nhiên của chúng, cần có kiến thức để đảm bảo tránh giao phối cận huyết, lai tạp nguồn gen khiến các cá thể được gây nuôi không có giá trị bảo tồn. Hơn nữa, hầu hết các cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được gây nuôi đã bị mất đi bản năng sinh tồn và kĩ năng cần thiết giúp chúng sống sót trong tự nhiên nếu được tái thả.

Bất kỳ chính sách hoặc quy định pháp luật dẫn tới tổn thất đa dạng sinh học cần được cân nhắc thật kỹ trước khi được ban hành. Việc gây nuôi các loài động vật hoang dã, kể cả các loài thông thường chỉ được phép tiến hành khi được các cơ quan khoa học tại Việt Nam khẳng định là phù hợp với hoạt động gây nuôi. Trước khi cấp phép gây nuôi thương mại và buôn bán một loài thông thường cần phải được cơ quan khoa học nghiên cứu, đánh giá và đảm bảo hoạt động gây nuôi và buôn bán sẽ không ảnh hưởng tới bảo tồn.

Cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về thông tin các cơ sở đăng ký gây nuôi để lực lượng kiểm lâm có thể lưu trữ, cập nhật và kiểm tra thông tin của các cơ sở gây nuôi như : số lượng động vật hoang dã, quá trình chuyển dịch động vật hoang dã, sinh sản, buôn bán cũng như bất cứ sự thay đổi nào khác tại cơ sở gây nuôi,...
Minh Nguyệt (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm