Bảo tồn động vật hoang dã cho con người và thiên nhiên

Bảo tồn động vật hoang dã cho con người và thiên nhiên

Chiều 18/7, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi tọa đàm, chia sẻ pháp thoại với chủ đề “Bảo tồn động vật hoang dã cho con người và thiên nhiên”. Tọa đàm là sự kiện nằm trong chương trình phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Bộ Tài Nguyên và Môi trường trong hoạt động truyền thông bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học.

Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước Đa dạng sinh học, Việt Nam đứng thứ 16 thế giới về đa dạng sinh học khi sở hữu khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm: khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Trong đó, nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam như sao la, cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang trường sơn, thỏ vằn, voi châu Á, bò rừng, bò xám, hổ, báo, hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển và rùa cạn, nước ngọt...

Mặc dù sở hữu mức độ đa dạng sinh học cao, nhưng có một thực tế đáng buồn là nhiều người dân chưa có nhận thức đúng đắn về bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều người tiêu thụ, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, cũng như tạo điều kiện cho những mạng lưới săn bắt, buôn bán động vật hoang dã.

Theo thống kê, số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao, như loài Giải sin-hoe (Rùa hồ Gươm) (Rafetus swinhoei), loài này hiện chỉ còn có 3 cá thể sống được biết đến trên thế giới trong đó có 01 cá thể ở Trung Quốc và 2 cá thể ở Việt Nam. Sao la – một loài thú đặc hữu của dãy Trường Sơn, cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng, các nỗ lực điều tra, giám sát cho đến nay vẫn chưa phát hiện quần thể nào của loài ngoài tự nhiên.

Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cập nhật tháng 3/2022, số lượng loài bị đe dọa phân bố ở Việt Nam là 880 loài, bao gồm 63 loài thú, 50 loài chim, 75 loài bò sát, 68 loài lưỡng cư và 141 loài cá. Công tác kiểm kê loài năm 2016 đề xuất đưa 1.211 loài vào Sách đỏ cập nhật, bao gồm 600 loài thực vật và nấm và 611 loài động vật. Do đó, so sánh với Sách đỏ năm 2007, số lượng loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng tăng đáng kể.

Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng 1, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết: Theo thuyết duyên sinh, nhà Phật cho rằng con người và thế giới tự nhiên có sự tương tác mật thiết với nhau. Mỗi loài đều có giá trị và vai trò riêng, sự biến mất của một số loài sẽ gây nên phản ứng dây chuyền, làm ảnh hưởng đến rất nhiều loài khác. Nếu các loài có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái mà bị tuyệt chủng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường đối với trái đất. Nếu đối xử với trái đất và vạn vật xung quanh bằng lòng từ bi và trí tuệ, chúng ta sẽ thấy tâm an, thế giới hòa bình; nếu đối xử bằng tâm vô minh, tham chấp, chắc chắn chúng ta sẽ phải chịu những hậu quả khó lường như: thiên tai (bão lũ, động đất, sóng thần…), dịch bệnh…

Phật giáo là một tôn giáo gần gũi, thân thiện với môi trường và luôn đề cao việc bảo vệ môi trường. Tôn trọng thiên nhiên là đặc tính quan trọng của Phật giáo. Đức Phật Thích Ca đản sinh (dưới cây Vô Ưu), thành đạo (dưới cây Bồ Đề), nhập niết bàn (dưới cây Sa La) đều dưới gốc cây. Suốt 49 năm thuyết pháp của Ngài cũng chủ yếu dưới gốc cây, rừng cây; các đệ tử của Ngài chủ yếu cũng giác ngộ dưới gốc cây, rừng cây.

Đức Phật không chỉ răn dạy chúng ta không nên sát sinh, làm tổn hại đến động vật, đặc biệt là động vật hoang dã, mà còn răn dạy không nên chặt phá cây cỏ một cách vô cớ, bảo vệ cây xanh, thảm thực vật. Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên quý giá, góp phần tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và tạo ra môi trường sống hòa bình cho chúng. Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ cho chính chúng ta.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Đức Phật dạy, người đệ tử Phật phải gìn giữ 5 nguyên tắc đạo đức (ngũ giới). Trong 5 nguyên tắc đạo đức, giới bất sát sinh được đặt lên lầu tiên, vì dù là con người hay các sinh-động vật vốn đều ham sống sợ chết. Đức Phật dạy, các vị Tăng Ni mỗi năm phải có ba tháng An cư kết hạ. Đây là dịp để Tăng chúng thúc liễm thân tâm (cột trói thân và tâm mình – PV) và trau dồi giới đức, đồng thời cũng là thể hiện lòng từ đối các loài động, thực vật.

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, như hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động; kêu gọi Giáo hội Phật giáo các cấp truyền thông bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chiến dịch “chấm dứt sử dụng sừng tê giác” tại chùa Hòa Phúc (Hà Nội) kêu gọi 1.000 Phật tử nói không với mua bán và sử dụng sừng tê giác...

Thượng tọa Thích Minh Quang cũng nhấn mạnh đến việc trân quý tài nguyên thiên nhiên, bớt những lãng phí không cần thiết, tập thói quen biết đủ, tiết kiệm tốt cho mình, tốt cho người và tốt cho xã hội. Việc săn bắn trái phép, sát hại động vật hoang dã không chỉ đi ngược với giá trị đạo đức, mà còn tạo nghiệp báo, hậu quả của việc sát sinh bừa bãi như mất cân bằng sinh thái, mất đi lòng từ, tăng trưởng sự sân hận, gây sự oán thù…

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và động vật hoang dã nói riêng, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức là chiến lược được ưu tiên hàng đầu của Bộ. Bên cạnh các chương trình, chiến dịch, truyền thông của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn, thì sự tham gia của các tổ chức tôn giáo là vô cùng quan trọng.

Phật giáo là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt, hướng con người đến với vẻ đẹp chân – thiện – mỹ, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, đạo đức. Tại Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đại diện của các tăng, ni, phật tử trong và ngoài nước. Giáo lý Phật giáo luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên; biết tôn trọng, trân quý thiên nhiên bởi con người và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, tác động tương hỗ nhau. Do đó, sự tham gia của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là cần thiết và góp phần nâng cao hiệu quả đáng kể của công tác này.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm