Bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền tại Đồng Tháp

Bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền tại Đồng Tháp

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 39 làng nghề tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm khá đa dạng như: đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ... hoạt động ổn định góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền tại Đồng Tháp ảnh 1Làng nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Trong đó, địa phương tiếp tục bảo tồn 16 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền gồm: 7 làng nghề (3 làng nghề đan lờ, lợp; 1 làng nghề đan cần xé; 1 làng nghề đan bội huyện Lai Vung; 1 làng nghề đan lưới, đan thúng rổ huyện Lấp Vò); 9 làng nghề truyền thống (1 làng nghề đóng xuồng ghe huyện Lai Vung; 4 làng nghề đan mê bồ ở thành phố Cao Lãnh; 4 làng nghề sản xuất bột ở thành phố Sa Đéc).

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hoạt động bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu, các cấp Hội Phụ nữ vận động chị em tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tập trung khai thác các sản phẩm lưu niệm từ làng nghề; duy trì và phát triển các làng nghề, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên; ứng xử văn hóa, thân thiện với du khách trong và ngoài nước đến tham quan các khu du lịch, khu di tích ở địa phương…; tuyên tuyền, phổ biến về ý nghĩa văn hóa của sản phẩm, thương hiệu sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, các chính sách hỗ trợ… Các cấp Hội tổ chức trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề truyền thống phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch; tổ chức sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, lưu diễn thực hành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống để phục vụ du khách tìm hiểu, nghiên cứu. Đồng thời, tổ chức kiểm kê các nghề truyền thống đề nghị đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh; thực hiện 2 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (nghề làm nem Lai Vung, nghề dệt choàng).

Đồng Tháp tiếp tục tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương” nhằm đánh giá tiềm năng, thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống (hoa kiểng và sản xuất bột của thành phố Sa Đéc; dệt chiếu của huyện Lấp Vò; đóng ghe xuồng, đan lát và sản xuất nem, bì, chả lụa của huyện Lai Vung; đan lục bình của huyện Cao Lãnh…) của địa phương kết hợp phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh. Đây là dịp tham vấn ý kiến chuyên gia cùng các doanh nghiệp du lịch, lữ hành về các giải pháp phát triển du lịch kết hợp phát huy giá trị các làng nghề truyền thống của Đồng Tháp; tìm giải pháp tích cực mang tính khả thi nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh các làng nghề, làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch. Từ đó, đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, định hướng phát triển du lịch kết hợp trải nghiệm làng nghề truyền thống, xác định những sản phẩm làng nghề chủ lực, xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề, kết nối tour tuyến với các khu điểm du lịch và di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, Hội thảo còn tạo điều kiện cho người dân các làng nghề trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế du lịch kết hợp phát triển làng nghề.

Để bảo tồn làng nghề, không để mai một, thất truyền những giá trị truyền thống, UBND tỉnh đặt mục tiêu năm 2023 có 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin; 100% các làng nghề được UBND tỉnh công nhận xây dựng phương án bảo vệ môi trường, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% các địa phương có làng nghề được công nhận xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm