Bảo tàng múa rối độc diễn đương đại ở Nha Trang

Bảo tàng múa rối độc diễn đương đại ở Nha Trang
Ghé thăm bảo tàng nghệ thuật múa rối này vào một buổi chiều nắng đẹp, tại đây, chúng tôi bắt gặp hình ảnh của một người nghệ sĩ rất đời thường, một ông lão với khuôn mặt rạng ngời bởi nụ cười hiền đã ra tận nơi tiếp đón nồng hậu. 
 
Nghệ sĩ Văn Học giới thiệu bảo tàng múa rối độc diễn. Ảnh: thanhnien.vn
Nghệ sĩ Văn Học giới thiệu bảo tàng múa rối độc diễn. Ảnh: thanhnien.vn

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh em ở Hà Nội, mồ côi cha từ nhỏ, tuổi thơ của nghệ sĩ Văn Học là những ngày dài bán báo, bán thuốc lá dạo trên các đường phố Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn theo học đến cùng. Năm 1963, ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường múa Việt Nam hệ trung cấp với nhiều tác phẩm biên đạo nổi tiếng. Đến năm 40 tuổi (1981), ông hoàn thành văn bằng cử nhân tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội và chuyển sang làm nghề múa rối. Nghệ sĩ Văn Học chia sẻ "từ diễn viên - biên đạo múa, tình cờ rẽ sang múa rối, tôi đã sống hết mình cho nghệ thuật này". 

Trong suốt quãng đời nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Văn Học đã đi hơn 40 quốc gia trên thế giới để biểu diễn múa rối với nhiều giải thưởng danh giá như: Huy chương Vàng tại Liên hoan múa rối toàn quốc 1994, giải thưởng của Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, giải thưởng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và nhiều giải thưởng, bằng khen tại các sân khấu múa rối quốc tế… 

Năm 2015, được sự cấp phép hoạt động của UBND tỉnh Khánh Hòa, nghệ sĩ Văn Học đã chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng quy mô và chất lượng phòng trưng bày về nghệ thuật múa rối thành Bảo tàng nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại duy nhất tại Việt Nam. Trong căn phòng khoảng 50m2, bảo tàng trưng bày khoảng 100 con rối lớn nhỏ với các thể loại khác nhau như: Rối dẹt, rối tay, rối qua, rối dây, rối mặt nạ, rối hình nộm… Đa số các con rối đều là hình tượng được lấy cảm hứng từ các con vật và các dân tộc của Việt Nam, do chính tay nghệ sĩ Văn Học làm ra, được ông đưa đi biểu diễn khắp nơi trong nước cũng quốc tế. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều hình ảnh, báo và tạp chí viết về nghệ thuật múa rối độc diễn của nghệ sĩ Văn Học, các đầu sách về múa, múa rối do chính ông viết. 

Nghệ sĩ Văn Học chia sẻ: Vào thời điểm đoàn khách có nhu cầu được xem trực tiếp biểu diễn múa rối độc diễn, tôi đều nhiệt tình đáp ứng, bởi nếu những con rối đang trưng bày trong tủ kính mãi ở yên đó sẽ không có giá trị, mà nó phải được trình diễn, đem lại cảm hứng cuộc đời cho người xem. Hướng tay về con rối "cô gái Chăm", ông cho biết, con rối này là sự kết tinh giữa văn hóa Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng lại sử dụng điệu múa và hình hài cũng như tâm hồn văn hóa Việt Nam. 

Bảo tàng Nghệ thuật Múa rối độc diễn đương đại mở cửa miễn phí vào thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ, Tết trong năm. Ngoài tham quan bảo tàng, tại sân thượng của tư gia, du khách hoàn toàn có thể được thưởng thức một quá trình chế tác con rối từ nghệ sĩ Văn Học và nếu may mắn, du khách sẽ được chủ nhân của bảo tàng tặng làm quà lưu niệm. Thời gian tới, nghệ sỹ Văn Học dự định chỉnh sửa, sắp xếp lại bảo tàng để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tham quan của du khách. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân xúc động cho biết, ông rất tự hào khi trên quê hương Khánh Hòa có các nghệ sĩ yêu nghệ thuật, nhiệt huyết như Văn Học. 

Hiện nay, dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nghệ sĩ Văn Học vẫn còn nhiều dự định và nỗi niềm trăn trở về một người nối nghiệp độc diễn múa rối của mình. “Con trai của tôi trước cũng từng học và biểu diễn múa rối, song người trẻ lại không mặn mà lắm với nghề này, nên rất khó để nối nghiệp sau này”, nghệ sỹ Văn Học nói.
Phan Sáu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm