Báo động tình trạng kháng kháng sinh trên thế giới

Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng hiện nay đặt ra nhu cầu cần có các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này cũng như phát triển các loại thuốc kháng sinh mới. Xuất phát từ thực tế này, trường Đại học Oxford của Anh đã nhận được khoản tiền 112 triệu euro (136 triệu USD) tài trợ của công ty hóa chất đa quốc gia Ineos để tiến hành các nghiên cứu cần thiết.

Trong thông báo ngày 19/9, trường Đại học Oxford cho biết đây là khoản tiền tài trợ lớn nhất mà trường nhận được từ trước tới nay. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để thành lập một trung tâm mới có nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Kháng kháng sinh là khả năng của các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng vẫn tồn tại và sinh trưởng trong cơ thể con người hay động vật ngay cả khi đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Theo Đại học Oxford, kháng kháng sinh là nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm. Dự báo đến năm 2050, mỗi năm sẽ có tới 10 triệu người tử vong mà nguyên nhân có thể là do thuốc kháng sinh không còn ngăn ngừa hiệu quả các bệnh thông thường.

Giáo sư Louise Richardson, Đại học Oxford, nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhu cầu cấp bách cần phải đối phó với mối đe dọa mà kháng kháng sinh gây ra đối với y tế cộng đồng. Bà cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra một đại dịch khác, đồng thời nhấn mạnh đây không phải cảnh báo lần đầu nhưng con người vẫn chưa có sự chuẩn bị. Theo Giáo sư Richardson, các loại thuốc kháng sinh càng ngày càng ít hiệu quả do tình trạng kháng thuốc gia tăng, do vậy cần phải hành động trước khi quá muộn.

Hiện một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford đã hợp tác với hãng dược phẩm AstraZeneca phát triển một trong số vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Họ nhận định các vaccine ngừa COVID-19 đã được phát triển và bào chế trong thời gian kỷ lục, áp dụng các kết quả nghiên cứu được thực hiện trước khi đại dịch bùng phát. Việc phát triển các thuốc kháng sinh mới cũng là nhiệm vụ cấp bách như bào chế vaccine.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã nghiên cứu và phát triển thành công Penicillin - thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới, qua đó cứu sống hàng triệu người trên thế giới.

Thanh Hương

Tin liên quan

Việt Nam đứng thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ kháng thuốc

Tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỉ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương. Đây là thông tin được Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội thảo “Chương trình phòng, chống kháng thuốc tại Thành phố Hồ Chí Minh” ngày 21/11. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ nâng cao nhận thức kháng sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).


Vi khuẩn kháng thuốc đe dọa sự sống của loài tê giác châu Phi

Các nhà khoa học quốc tế vừa phát hiện ra các chủng vi khuẩn có khả năng kháng thuốc kháng sinh trên cơ thể của nhiều con tê giác đen tại Kenya. Bên cạnh nạn săn trộm tê giác lấy sừng hiện đang hoành hành tại châu Phi, đây bị xem là mối đe dọa mới với sự tồn vong của loài động vật có từ thời tiền sử này.



Đề xuất