Bảo đảm hiệu quả việc hỗ trợ máy tính bảng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Bảo đảm hiệu quả việc hỗ trợ máy tính bảng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, triển khai hỗ trợ máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, đến nay Bộ đã hoàn thành công tác hướng dẫn, thu thập số liệu và phân bổ máy tính bảng.

Căn cứ Thông tư số 09/2022/TT-BTTTT (hướng dẫn thực hiện hỗ trợ máy tính bảng và dịch vụ viễn thông công ích để sử dụng máy tính bảng thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025) và số liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 do các bộ và các địa phương cung cấp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân bổ 400.000 máy tính bảng cho các địa phương.

Bảo đảm hiệu quả việc hỗ trợ máy tính bảng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” ảnh 1 Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã góp phần giúp đỡ, hỗ trợ các em học sinh học tập hiệu quả hơn, giúp các em tiếp cận kiến thức mới. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Đồng thời, Bộ đang triển khai công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để cấp phát máy tính bảng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Dự kiến Quý IV/2022, sẽ hoàn thành việc cấp phát máy tính bảng cho các hộ gia đình.

Cũng theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã phân bổ 299.918/600.000 máy tính từ nguồn xã hội hóa cho các địa phương; hiện việc này đang triển khai thực hiện.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12/9/2021; trong đó, có sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để hỗ trợ 400.000 máy tính bảng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Được sự đồng ý của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo đã có Kế hoạch số 3667/KH-BTTTT-BGDĐT ngày 31/9/2021 triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Bảo đảm hiệu quả việc hỗ trợ máy tính bảng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” ảnh 2Máy tính đã kịp thời giúp các em học sinh ở Đắk Nông học trực tuyến khi không thể đến trường học trực tiếp. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Theo đó, việc hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến được thực hiện thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (trong năm 2021): Huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để học tập trực tuyến; trước mắt ưu tiên thực hiện tại các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023): Tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Mục đích của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là để huy động mọi nguồn lực của xã hội để trang bị máy tính bảng cho 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo trên toàn quốc để học trực tuyến và phát triển xã hội số (không phụ thuộc vào có hay không dịch COVID-19). 1 triệu máy của giai đoạn 1 huy động trong năm 2021 được ưu tiên cho các địa phương thực hiện giãn cách do dịch COVID-19.

Bảo đảm hiệu quả việc hỗ trợ máy tính bảng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” ảnh 3Học sinh trường Tiểu học - Trung học cơ sở Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre vui mừng khi nhận được máy tính bảng qua Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo quy định của pháp luật về viễn thông và theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất đưa nội dung hỗ trợ 400.000 máy tính bảng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vào Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021.

Nội dung hỗ trợ 400.000 máy tính bảng từ Quỹ viễn thông công ích được đưa vào giai đoạn 1 (năm 2021) của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2021, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 mới được phê duyệt. Do vậy, nội dung hỗ trợ sẽ được triển khai tiếp trong giai đoạn 2 (năm 2022-2023) của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Bảo đảm hiệu quả việc hỗ trợ máy tính bảng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” ảnh 4Đại diện Tập đoàn VNPT trao máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Long An. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành xây dựng và ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BTTTT; khảo sát thị trường máy tính bảng; thu thập số liệu từ các địa phương, các Bộ về số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Về hiệu quả của chương trình hỗ trợ máy tính bảng từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Bộ đã nhận được các kiến nghị về việc đánh giá hiệu quả của Chương trình hỗ trợ máy tính bảng trong điều kiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát và học sinh đã đi học trực tiếp; đánh giá chất lượng máy tính bảng cung cấp học sinh (do quy định giá máy không quá 2,5 triệu đồng).

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng mục tiêu của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là trang bị máy tính bảng cho 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo trên toàn quốc để học trực tuyến và phát triển xã hội số (không phụ thuộc vào có hay không dịch COVID-19). Như vậy, việc trang bị máy tính bảng là có đầy đủ cơ sở pháp lý và cần thiết mặc dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát, học sinh đã đi học trực tiếp.

Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy vẫn nên có đánh giá việc trang bị máy tính bảng có thật sự hiệu quả trong điều kiện dạy - học hiện nay. Ngoài ra, cần phải đánh giá hiệu quả của chương trình trong việc phát triển xã hội số; cũng như tiến hành khảo sát đánh giá chất lượng của máy tính bảng đã được huy động và phân bổ trong thời gian vừa qua (hiện đã phân bổ được gần 300.000 máy).

Trước mắt, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Chính phủ cho phép được tạm dừng việc triển khai đấu thầu mua máy tính bảng, sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch để triển khai hai nội dung trên trong tháng 8-9/2022; đồng thời, đề nghị các địa phương chưa triển khai các thủ tục xét chọn hộ gia đình được nhận hỗ trợ máy tính bảng.

Căn cứ vào kết quả khảo sát và đánh giá, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ 400.000 máy tính bảng từ nguồn Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, để đảm bảo hiệu quả.

P. V

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm