Ứng phó với bão số 16:

Bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân và tài sản

Bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân và tài sản
Huyện đã di dời 1.530 trong tổng số 2.100 người dân đến các địa điểm kiên cố để tránh trú bão. 570 người còn lại nằm trong vùng nguy hiểm cần di dời đến nơi an toàn nhưng chưa chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Thời gian tiến hành cưỡng chế bắt đầu từ 6 giờ ngày 25/12. Vào lúc 19 giờ ngày 24/12, Đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Côn Đảo do ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, Trưởng ban làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác di dời dân. 

Tại trụ sở Chi cục Hải quan - khu vực Bến Đầm, hàng ngàn ngư dân và người dân khu dân cư số 10 vào đây để tránh trú bão theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đoàn viên thanh niên, Biên phòng, Công an, Ban điều hành khu dân cư số 10 được tăng cường nhằm hướng dẫn và hỗ trợ mọi người đến tránh bão; đồng thời duy trì lực lượng bảm bảo an ninh trật tự trong khu vực. 

Khu vực cảng Bến Đầm, nơi có hơn 200 phương tiện đang neo đậu tránh trú bão, vẫn còn 120 ngư dân ở lại trên phương tiện để canh giữ tài sản. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục vận động ngư dân lên bờ tránh trú bão. Nếu ngư dân không chấp hành, trước 7 giờ ngày 25/12, các lực lượng chức năng của huyện sẽ kiên quyết cưỡng chế di dời 

Tại các khu dân cư khu vực trung tâm Côn Đảo, tình hình di dân đang diễn ra khẩn trương. Tại các cơ quan, đơn vị có trụ sở là địa điểm nằm trong phương án đưa dân đến để trú bão, như chung cư thu nhập thấp, khu bán trú trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, Trường Mầm non Tuổi thơ, Nhà văn hóa và học tập cộng đồng khu dân cư số 3, trụ sở Ủy ban cũ... Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đều bố trí lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ, giúp người dân. 

Sáng 25/12, bão số 16 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thời tiết tỉnh Tiền Giang. Mưa nhỏ và dai dẳng kéo dài trên diện rộng từ phía duyên hải Gò Công, thành phố Mỹ Tho, các huyện, thị phía Tây, tuy nhiên không có gió to. 

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã chỉ đạo ngành Giáo dục kéo dài thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học lên hai ngày, từ ngày 25/12 đến hết ngày 26/12.Trong ngày 25/12, Tiền Giang bắt đầu sơ tán khoảng 40.000 người dân sinh sống tại những địa bàn nguy hiểm, chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 16. 

Trước diễn biến phức tạp của bão số 16, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trụ sở tại Cần Thơ) đã có văn bản chỉ đạo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão, tập trung đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất. 
Các tàu, thuyền du lịch phục vụ khách tham quan trên sông và chợ nổi Cái Răng đã neo đậu an toàn tại bến Ninh Kiều. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN
 Các tàu, thuyền du lịch phục vụ khách tham quan trên sông và chợ nổi Cái Răng đã neo đậu an toàn tại bến Ninh Kiều. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Theo đó, Cảng vụ Đường thủy nội địa Cần Thơ đã ra thông báo đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất. Đến hết ngày 24/12, 10 bến tàu khách đã tạm ngưng hoạt động và đưa tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn. Tại Bến Ninh Kiều, các du thuyền được thông báo cho tạm ngưng hoạt động đưa khách tham quan trên sông từ tối 24/12. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tính mạng cho khách du lịch, sáng 25/12, thành phố Cần Thơ đã cấm các tàu, thuyền đưa khách tham quan chợ nổi Cái Răng và ngưng tất cả các hoạt động đưa, đón khách du lịch trên sông tham quan Chợ Nổi Cái Răng. 

UBND thành phố Cần Thơ có quyết định cho học sinh nghỉ học từ 11 giờ 30 phút ngày 25/12 đến ngày 26/12 để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 khi đổ bộ vào đất liền, Cần Thơ sẽ tiến hành sơ tán dân. 

Tại Bạc Liêu
Theo báo cáo của các huyện ven biển tỉnh Bạc Liêu gồm Đông Hải, Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu, đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản chuẩn bị đủ nơi trú bão để di dời, sơ tán dân tránh bão an toàn.

Dự kiến trong ngày 25/12, các địa phương sẽ hoàn thành công tác di dời dân với hơn 64.000 hộ, khoảng 350.000 người, chiếm khoảng 1/3 dân số của toàn tỉnh. Các địa phương đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão, đồng thời đóng cửa sông, cửa biển, hạn chế hoạt động giao thông thủy trong những ngày tới. Các địa phương chỉ đạo lực lượng bộ đội, công an và các ngành, đoàn thể trực tiếp tham gia xử lý các tình huống, giúp dân sơ tán, đối phó bão, nhất là các xã vùng ven biển, người dân sống ngoài đê rừng phòng hộ, khu vực dễ xảy ra sạt lở, ngập úng. 

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết Bạc Liêu đã đưa hơn 26.000 người dân vào nơi trú bão an toàn. Cùng với đó, tỉnh đã kêu gọi hơn 1.000 tàu thuyền vào nơi trú bão. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương hướng dẫn nông dân, gia cố bờ bao ao đầm nuôi trồng thủy sản, tập trung các biện pháp cấp bách để bảo vệ sản xuất lúa và rau màu. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quang Dương lưu ý bão số 16 được dự báo diễn biến khó lường, cấp độ thiên tai cấp 4. Công tác ứng phó phải đặc biệt chú ý làm tốt công tác di dời, sơ tán dân theo đúng thời hạn mà Chính phủ yêu cầu.

Việc kêu gọi tàu thuyền phải quyết liệt trên tinh thần kiên quyết, quản lý chặt không cho thuyền ở ngoài khơi, phải đảm bảo an toàn cao nhất về tính mạng người dân; vận động người dân thu hoạch sớm tôm, cá tránh bão. Đồng thời, các địa phương có giải pháp sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công từng thành viên xuống địa bàn chỉ đạo công tác ứng phó với bão./. 
Phóng viên TTXVN tại các địa phương 
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm