Báo chí góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của tổ chức, cá nhân trong tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Nhân viên bảo hiểm xã hội tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Nhân viên bảo hiểm xã hội tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí thời gian qua đã góp phần giúp công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thông tin trên được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết tại Hội nghị tập huấn kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho gần 80 nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc 60 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình, diễn ra vào sáng 1/6, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Trong những năm qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định cuộc sống cho người lao động và nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được hoàn thiện, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm.

Báo chí góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của tổ chức, cá nhân trong tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ảnh 1Nhân viên bảo hiểm xã hội tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Tính đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 16,5 triệu người, đạt 33,7% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là gần 15,1 triệu người, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gần 1,45 triệu người, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội). Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thủ tục hành chính được cải cách triệt để gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách.

Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có công tác phối hợp truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số lượng tin, bài, phóng sự, chương trình… được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải, phát sóng về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng đều qua các năm: Năm 2021 có 31.300 tin, bài, phóng sự,… được đăng tải, phát sóng; tăng gấp 1,9 lần so với năm 2019 và tăng 2,4 lần so với năm 2020. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, ước đã có khoảng 9.500 tin, bài, phóng sự được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng (trung bình mỗi ngày có 63 tin, bài, phóng sự).

Báo chí góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của tổ chức, cá nhân trong tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ảnh 2Đoàn xe diễu hành tuyên truyền vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và Bảo hiểm y tế hộ gia đình. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác truyền thông của ngành, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh, từ thực tiễn hoạt động của mình, báo chí đã tích cực phản ánh nguyện vọng, dự báo tác động của chính sách đến quyền lợi, tâm lý của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các sản phẩm báo chí, góp phần hiệu quả cho quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và người lao động.

Tại Hội nghị, các đại biểu, phóng viên, biên tập viên đã được nghe các diễn giả trình bày 6 chuyên đề về: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi của người tham gia và sự phát triển bền vững của Quỹ bảo hiểm y tế; Một số nội dung của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia; Vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với công tác đảm bảo, ổn định đời sống người lao động, công tác phối hợp liên ngành giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động; Giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Một số vấn đề về chính sách bảo hiểm xã hội đang được dư luận xã hội quan tâm; Tổng quan về công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Chia sẻ thông tin chuyên đề tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tặng mạnh qua các năm, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Năm 2021, cả nước có 37 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90% dân số; gần 60% số người tham gia bảo hiểm y tế của cả nước là do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ. Để đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, số cơ sở có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gia tăng hàng năm (riêng năm 2021 có 2.639 cơ sở).

Để duy trì tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và bao phủ bảo hiểm y tế đối với gần 10% dân số còn lại, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, ngân sách nhà nước cần tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương giữ vai trò bổ sung trong việc đóng bảo hiểm y tế cho nhóm dễ bị tổn thương, hộ gia đình nghèo; hỗ trợ nhóm thân nhân người lao động thuộc khu vực phi chính thức tham gia;… với lộ trình trợ cấp, hỗ trợ phải đảm bảo tính ổn định. Thực hiện cơ chế tham gia bảo hiểm y tế mới theo hướng người lao động có thu nhập ổn định đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân. Đồng thời, cần có chế tài nghiêm khắc, quy định mức đóng bảo hiểm y tế cao hơn hoặc truy thu tiền đóng bảo hiểm y tế đối với thời gian trốn đóng hoặc chậm tham gia bảo hiểm y tế với tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế…

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm