Báo chí góp phần khơi dậy những dòng chảy văn hóa tích cực (Bài 2)

Báo chí góp phần khơi dậy những dòng chảy văn hóa tích cực (Bài 2)

Bài 2 - Cầu nối "hữu hiệu" giữa Đảng, chính quyền và nhân dân

Thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí", trong gần 2 tháng qua, nhiều cấp hội nhà báo, nhiều cơ quan báo chí địa phương đã tổ chức lễ phát động thi đua trong cơ quan, đơn vị; cam kết duy trì nền nếp thường xuyên, liên tục, góp phần giúp cho báo chí ngày càng có những đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Báo chí góp phần khơi dậy những dòng chảy văn hóa tích cực (Bài 2) ảnh 1Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh báo chí thế giới năm 2021. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

* Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên - một trong những đơn vị đầu tiên triển khai hoạt động, tích cực hưởng ứng phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí".

Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên hiện có 230 hội viên sinh hoạt ở 5 Liên chi hội, Chi hội nhà báo cơ sở, đó là: Liên Chi hội nhà báo Đài Phát thanh Truyền hình Thái Nguyên; Chi hội Nhà báo Báo Thái Nguyên, Chi hội Nhà báo Báo Quân khu Một; Chi hội Nhà báo Tạp chí văn nghệ và Trung tâm thông tin; Chi hội Nhà báo Văn phòng Hội.

Năm 2022 đánh dấu 30 năm xây dựng, trưởng thành của Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. Là mái nhà chung của những người làm báo, Hội còn là nơi tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo trên địa bàn. Hội tiếp tục khẳng định uy tín, ảnh hưởng của mình thông qua công tác phối hợp chỉ đạo, quản lý báo chí, tạo điều kiện cho hội viên hành nghề, bảo vệ hội viên trong hoạt động nghề nghiệp, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết các vấn đề báo nêu… Báo chí Thái Nguyên luôn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, đổi mới nâng cao chất lượng nội dung, hình thức chuyển tải thông tin đến công chúng báo chí, khẳng định vị thế, làm tốt vai trò định hướng dư luận, thực sự là "cầu nối" hữu hiệu giữa Đảng, chính quyền với nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đội ngũ những người làm báo của tỉnh không ngừng rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn; thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; thực hiện đúng trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo.

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao việc các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí đã phát động phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, bởi văn hóa gắn với việc rèn luyện đạo đức của người làm báo. Đây cũng là vấn đề đã nhức nhối nhiều năm qua, do những tác động tiêu cực, công chúng đã bị giảm sút lòng tin đối với báo chí. Chính sự tha hóa của một bộ phận phóng viên, nhà báo đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của báo chí nước nhà.

Để tinh thần quán triệt từ Trung ương đến địa phương được thực hiện có hiệu quả, ngay khi nhận được hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Thường vụ Hội nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã họp và thống nhất cần triển khai việc phát động nhanh, sớm tới các cơ quan báo chí cũng như người làm báo trong tỉnh.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng, đại diện các cơ quan báo chí tại tỉnh đã ký cam kết giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, bảo đảm tuân thủ, tổ chức thực hiện tốt 12 tiêu chí thi đua, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Đồng thời, Ban chấp hành Hội cũng đã giao Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên xây dựng bảng chấm điểm, hội đồng chấm…, để theo dõi, đánh giá, báo cáo kịp thời với Hội Nhà báo Việt Nam trong các dịp sơ kết, tổng kết hằng năm.

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Bảo Lâm nhận định: Nhìn chung, việc triển khai phong trào đến các cơ quan báo chí, người làm báo trên địa bàn đã được thực hiện rất tích cực. 12 tiêu chí được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành là những nội dung rất thiết thực đối với hoạt động báo chí. Thực hiện được 12 tiêu chí ấy sẽ thúc đẩy, lan tỏa sự tham gia tích cực của các tập thể, từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về văn hóa, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức, lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…

Để việc triển khai phong trào đạt hiệu quả, thiết thực, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam có thêm những quy định cụ thể, chi tiết để các cấp Hội bám sát, xây dựng thang điểm chấm, tiện cho việc theo dõi, đánh giá, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, không đồng bộ, thống nhất.

* Phấn đấu trở thành người làm báo "vừa hồng, vừa chuyên"

Thực hiện Kế hoạch của Hội Nhà báo Việt Nam về hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" và Kế hoạch số 156 của Hội Nhà báo tỉnh, Báo Nam Định đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng và ký cam kết thi đua thực hiện phong trào sớm so với nhiều cơ quan báo địa phương khác.

Bà Hoàng Thị Hoài Phương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Nam Định cho biết: Hoạt động này là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phong trào có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, khi các cơ quan báo chí phát triển rầm rộ, đội ngũ những người làm báo cũng đông nhất từ trước đến nay; vấn đề đạo đức báo chí, đạo đức người làm báo cũng được đặt ra cấp thiết. Hiện có không ít các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, có phóng viên lợi dụng danh nghĩa nhà báo quấy nhiễu cơ sở, vi phạm đạo đức người làm báo. Vì vậy, với trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, Báo Nam Định nhiệt tình hưởng ứng phong trào.

Báo Nam Định hiện có đội ngũ phóng viên trẻ chiếm đa số. Bên cạnh ưu điểm là được đào tạo bài bản, năng động nhiệt huyết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ thì hạn chế là kinh nghiệm làm báo, mối quan hệ với cơ sở chưa nhiều, do đó rất cần có sự rèn luyện phấn đấu để trở thành người làm báo "vừa hồng vừa chuyên" có tinh thần trách nhiệm với công việc, có đạo đức trong sáng, phong cách giao tiếp ứng xử chuẩn mực với đồng nghiệp và cơ sở - bà Hoàng Thị Hoài Phương chia sẻ.

Thực hiện kế hoạch đề ra, toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Nam Định, các phòng chuyên môn, các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Nhà báo đã cam kết thực hiện nghiêm bộ tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo Việt Nam do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam ban hành; đưa nội dung thực hiện các tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo Việt Nam vào tiêu chí đánh giá kết quả công tác hàng năm của cán bộ, đảng viên, phóng viên, nhân viên. Việc thực hiện tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo Việt Nam được gắn với việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Báo Nam Định nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm vụ công tác năm của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, cũng như thực hiện 10 điều quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam và bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Nhà báo Trần Đức Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nam Định cho biết: Sau khi nhận được sự chỉ đạo của Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí", Thường trực Hội đã chỉ đạo các Chi hội cơ sở báo cáo cơ quan báo chí chủ quản, tham gia các hoạt động của Phong trào cùng với cơ quan; ký kết giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; động viên hội viên nhiệt tình tham gia hưởng ứng.

Bên cạnh phong trào thi đua của riêng giới báo chí, Hội cũng bổ sung một nhiệm vụ quan trọng vào vào nội dung sinh hoạt trong phong trào, đó là: Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo về "Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay".

Với chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo tỉnh, Thường trực Hội cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch 156, gửi tới các cấp Hội cơ sở để triển khai thực hiện. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao nhận thức sâu rộng trong các cấp Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí, quản lý báo chí về các quan điểm chỉ đạo tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước; quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Nam Định, nền báo chí của quê hương. Hoạt động này cũng tạo sự thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay để triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại"; phát huy thế mạnh của báo chí trong tỉnh phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. (Còn tiếp)

Phúc Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm