Bản Sin Suối Hồ - điểm sáng phòng, chống ma túy ở vùng biên Lai Châu

Lực lượng công an chính quy xã thường xuyên xuống bản tuyên truyền người dân không tái trồng cây thuốc phiện và tác hại của ma túy tại bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Lực lượng công an chính quy xã thường xuyên xuống bản tuyên truyền người dân không tái trồng cây thuốc phiện và tác hại của ma túy tại bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, với hơn 93% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn hạn chế, nên nhiều địa phương xuất hiện các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nghiện ma túy. Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, người có uy tín trong bản, nên tỷ lệ người nghiện ma túy giảm rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, điển hình như bản Sin Suối Hồ, thuộc xã Sin Suối Hồ.

Bản Sin Suối Hồ - điểm sáng phòng, chống ma túy ở vùng biên Lai Châu ảnh 1 Lực lượng công an chính quy xã thường xuyên xuống bản tuyên truyền người dân không tái trồng cây thuốc phiện và tác hại của ma túy tại bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Bản biên giới Sin Suối Hồ hiện có 135 hộ với 702 nhân khẩu và 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ một bản với 100% là hộ nghèo và tỷ lệ người nghiện ma túy chiếm trên 80%; chỉ sau một thời gian ngắn, bản người Mông này đã cai nghiện thành công, hiện chỉ còn 0,8% người nghiện. Sau khi cai nghiện thành công, cộng đồng người Mông trong bản đã đồng lòng thay đổi nhận thức, từng bước phát triển kinh tế, xây dựng đường giao thông nông thôn, cải thiện cuộc sống.

Ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, cho biết: Việc cai nghiện thành công ở bản Sin Suối Hồ đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, giảm các tệ nạn xã hội như trộm cắp, ma túy... Đặc biệt, các cháu nhỏ được sống trong môi trường lành mạnh, văn minh, đồng thời góp phần giảm kinh phí của Nhà nước trong việc phòng chống ma túy và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Sin Suối Hồ trở thành bản du lịch cộng đồng điển hình của huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung.

Song song với xây dựng nếp sống mới, kinh tế - xã hội cũng được quan tâm và có bước phát triển đột phá. Anh Sùng A Phùa, Bí thư Chi bộ bản Sin Suối Hồ cho hay: Người dân trong bản đã và đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thảo quả và địa lan. Từ một vài chậu địa lan, đến nay cả bản có khoảng 40.000 chậu, năm 2019 riêng tiền thu từ địa lan trên 2 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 100% (2010) xuống còn gần 20% (2019). Hiện Sin Suối Hồ là bản dẫn đầu của xã về phát triển kinh tế, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

Bản Sin Suối Hồ - điểm sáng phòng, chống ma túy ở vùng biên Lai Châu ảnh 2Anh Sùng A Phùa, Bí thư chi bộ bản Sin Suối Hồ (áo trắng), đến từng hộ gia đình vận động người dân không tái trồng cây thuốc phiện và tác hại của ma túy. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Theo lời kể của già làng và người có uy tín trong bản, từ năm 1995 đổ về trước, bản là vùng trồng cây thuốc phiện lâu năm và tỷ lệ người nghiện ngày một tăng; từ đó, kéo theo kinh tế chậm phát triển và đẩy hộ nghèo lên đến 100%. Đời sống của người dân chật vật, khó khăn mọi mặt.

Không chịu khuất phục trước cảnh đói nghèo, ông Hảng A Xà, người có uy tín trong bản đã quyết tâm đưa những người nghiện đi cai để thay đổi cuộc sống. Ông đã cùng bí thư, trưởng bản, già làng và những người không nghiện trong bản đến từng nhà vận động người dân. Trước tiên, họ tiến hành đập bỏ hết điếu hút, sau đó đưa những người nghiện lên các lán trại ở trên nương, trên rừng cô lập với thế giới bên ngoài để quyết tâm cai nghiện ma túy. Hàng ngày, những người cai nghiện này sẽ được người thân và người có uy tín trong bản tiếp tế thức ăn để đảm bảo sức khỏe. Thời gian cai nghiện cứ thế kéo dài trong vòng 10 năm (1995 - 2005).

Sau khi cai nghiện thành công, đồng bào Mông nơi đây mất 5 năm (2005 - 2010) để thay đổi nhận thức về cuộc sống, thay đổi thói quen, từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng kinh tế và nếp sống văn minh. Bắt đầu từ năm 2011, người dân đồng lòng thực hiện những công việc theo kế hoạch mà họ đã đề ra để thay đổi cuộc sống với 5 phần việc trọng tâm. Đầu tiên, họ đề nghị với chính quyền xã hỗ trợ một phần kinh phí để người dân góp sức xây dựng 5km đường bê tông trong bản, chưa đầy một năm con đường hoàn thành xong.

Khi có đường bê tông cứng hóa, người dân tiếp tục thay đổi tư duy bảo vệ rừng, không chặt phá rừng bừa bãi như trước đây; rồi quy hoạch lại chuồng gà, chuồng lợn, trâu bò, để nuôi nhốt, không thả rông. Mỗi hộ gia đình có một hố rác riêng nhằm bảo vệ môi trường. Sau đó, bà con tập trung phát triển kinh tế, nhân giống cây địa lan, trồng cây thảo quả và xây dựng chợ với 54 gian hàng để người dân trao đổi các nông sản của gia đình, bán cho khách du lịch. Cùng với phát triển kinh tế, người dân còn quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thành lập các đội văn nghệ để biểu diễn các điệu múa của dân tộc mình trong những buổi chợ phiên và khi có khách du lịch ghé thăm.

Ông Hảng A Xà, người có uy tín bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, cho biết: Nhiều lúc tưởng chừng việc cai nghiện đi vào ngõ cụt, nhưng với sự cố gắng, giúp sức của chính quyền địa phương, đặc biệt sự quyết tâm của cả cộng đồng người Mông trong bản mà cuộc sống của các hộ dân ở đây thay đổi rõ rệt. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, bản dần hình thành phát triển du lịch cộng đồng và năm 2015 được tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận Khu Du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Cuối năm 2018, thành lập Hợp tác xã trái tim Sin Suối Hồ gồm 12 hộ gia đình tham gia nhằm liên kết, phát triển du lịch; mở ra hướng đi mới cho người dân.

Đến nay, đời sống của người dân đổi thay về mọi mặt, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên, đặc biệt đối với những người cai nghiện thành công. Từ một người nghiện chỉ biết chơi bời, lông bông, không giúp đỡ được gia đình, đến nay ông Chang A Hảng, bản Sin Suối Hồ đã xây dựng được nhà cửa, phát triển kinh tế, nuôi con cái ăn học đầy đủ. Ông Hảng tâm sự: Ông bắt đầu nghiện từ năm 1990, mất 5 năm để cai nghiện thành công. Từ khi cai nghiện xong, ông thấy sức khỏe tốt hơn. Ông đã dựng lại nhà cửa ở gần chợ, mở quầy hàng tạp hóa nhỏ; đến nay cuộc sống gia đình ổn định, khấm khá hơn.

Theo Bí thư Chi bộ bản Sin Suối Hồ, hiện nay bản vẫn còn khoảng 5 - 6 người nghiện. Một vài người lựa chọn uống thuốc Methadone tại trạm y tế xã, số còn lại được bản Sin Suối Hồ và xã thường xuyên vận động đưa đi cai nghiện; phấn đấu Sin Suối Hồ trở thành bản không có người nghiện ma túy.

Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho rằng: Sự đồng lòng kiên trì, giúp nhau cai nghiện ma túy của đồng bào Mông Sin Suối Hồ trở thành điểm sáng của huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung trong phòng chống ma túy. Đây là một cách làm hay, thời gian tới huyện sẽ nhân rộng cách làm này ra các địa phương khác nhằm giảm tỷ lệ người nghiện ma túy, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn và xây dựng nếp sống văn hóa mới.


Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm