Bàn giải pháp thúc đẩy liên kết, phát triển vùng Tây Bắc

Bàn giải pháp thúc đẩy liên kết, phát triển vùng Tây Bắc

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng Ban phụ trách, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng: Việc tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc là rất quan trọng và cần thiết. Tây Bắc là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có nhiều tiềm năng, lợi thế; giàu tài nguyên về khoáng sản, thủy điện, thủy sản; ưu thế trong phát triển cây công nghiệp, dược liệu, các loại rau quả cận nhiệt đới và ôn đới; có thế mạnh về chăn nuôi gia súc; phát triển du lịch và kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất so với cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung còn yếu kém; đời sống nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. 

Nét đẹp ruộng bậc thang ở Hà Giang. Ảnh: TTXVN
Nét đẹp ruộng bậc thang ở Hà Giang. Ảnh: TTXVN

Theo ông Trương Xuân Cừ, những mặt hạn chế của Tây Bắc hiện nay ngoài những nguyên nhân khách quan còn do những yếu tố chủ quan trong công tác quản lý, điều hành; trong việc cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, môi trường chưa thông thoáng để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế cho đầu tư phát triển. 

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc chia sẻ: Chương trình Tây Bắc đang triển khai 20 đề tài cấp Nhà nước trên nhiều lĩnh vực với mục tiêu xây dựng các luận cứ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong điều chỉnh, định hướng các chiến lược tiểu vùng liên vùng, kinh tế, chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao đời sống văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong khuôn khổ tọa đàm lần này, Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, đề xuất cơ chế chính sách để liên kết phát triển vùng. Trong đó, đi sâu thảo luận định hướng mục tiêu chiến lược đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 về liên kết mạng lưới giao thông và liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc. Từ đó, tiếp tục tham mưu với Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các chương trình, dự án và cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. 

Chia sẻ về việc phát triển mạng lưới giao thông vận tải vùng Tây Bắc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khâu đột phá, động lực cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của vùng và đất nước. Trong thời gian qua, giao thông vùng Tây Bắc đã có bước chuyển biến mạnh mẽ; các tuyến quốc lộ chính cơ bản hoàn thành; các tuyến vành đai, đường tuần tra biên giới được đầu tư và nâng cấp; các dự án đường cao tốc được triển khai mạnh mẽ. Tiêu biểu như tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông vận tải còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng. Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không) cả trong xây dựng kết cấu hạ tầng và phân công vận tải chưa đồng bộ. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường địa phương (nhất là xuống xã, thôn bản) vẫn còn chậm, thiếu nguồn lực và gặp nhiều khó khăn. 

Đại diện lãnh đạo một số địa phương vùng Tây Bắc và các nhà khoa học đề xuất, đối với liên kết phát triển mạng lưới giao thông, cần có cơ chế chính sách thu hút mạnh mẽ nguồn lực; ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng một số tuyến đường cao tốc kết nối với các tỉnh: Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Hòa Bình… Bên cạnh đó, tổ chức quản lý và khai thác tốt các tuyến đường thủy nội địa trên sông, trên hồ lớn; nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ, sân bay Nà Sản và xây dựng sân bay Lai Châu, Lào Cai để đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không; nâng cấp các tuyến đường sắt đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. 

Về liên kết phát triển du lịch, hiện nay vùng Tây Bắc đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhất là về du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa; tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, hình thành cung đường Tây Bắc, du lịch qua những miền di sản Tây Bắc, Việt Bắc. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các địa phương còn mang tính hình thức, thiếu các cơ chế hiệu quả để ràng buộc…Do vậy, nhiều đại biểu đề xuất, đối với liên kết về du lịch, cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; khuyến khích đầu tư vào phát triển các khu, các điểm du lịch (đặc biệt là 12 khu và 4 điểm du lịch quốc gia đã được xác định trong quy hoạch); đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát huy các liên kết về du lịch đã có cũng như tập trung phát triển sản phẩm đặc thù nhằm khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trên địa bàn Tây Bắc./. 

Có thể bạn quan tâm