Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trái mùa tại Thừa Thiên - Huế

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trái mùa tại Thừa Thiên - Huế

Ngày 3/4, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra thực tế tình hình ngập úng và thiệt hại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền và Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Tại đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế nhanh chóng chỉ đạo các địa phương chủ động khắc phục hậu quả do mưa lũ trái mùa gây ra, nhất là đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng bị ngập sâu trong nước; đồng thời phải tiến hành cắt điện ở những nơi còn ngập sâu, cắm biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm để phòng tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với người dân. Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng cần sớm tổng hợp, có báo cáo cụ thể gửi các cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ. Trước những diễn biến bất thường ngày càng phức tạp của thời tiết, về lâu dài, địa phương cần nghiên cứu có giải pháp chuyển đổi mùa vụ phù hợp đối với một số vùng trũng thấp; đẩy nhanh sửa chữa, xây dựng hệ thống hồ đập, kênh mương thoát lũ; nâng cao hiệu quả của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân…

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trái mùa tại Thừa Thiên - Huế ảnh 1Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế theo dõi tình hình xả nước của các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh qua màn hình trực tuyến. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Hải Minh cho biết, đây là đợt mưa có lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng ở các sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Nong, sông Truồi, Bù Lu… Mặt khác, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp, bị xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút, để ứu tiên tập trung cứu diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng, trổ bông.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, sáng 3/4, mực nước trên sông Hương đang ở dưới mức báo động 1, trên sông Bồ ở trên mức báo động 1. Hiện nay, mực nước triều đang ở mức cao làm chậm khả năng thoát lũ của các sông. Thống kê mới nhất, tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện đang có diện tích lúa bị ngập úng khoảng 20.090 ha; rau màu bị ngập 2.327 ha; cây ăn quả là 60 ha.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trái mùa tại Thừa Thiên - Huế ảnh 2Mực nước lũ trên sông Hương xuống chậm. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên – Huế đang chỉ đạo nhân viên vận hành các công trình thủy lợi, thường xuyên theo dõi lịch triều, mực nước trên sông, đầm phá để đóng, mở các cửa cống trên đê để nhanh chóng tiêu úng. Đồng thời, Công ty cũng phối hợp với các địa phương, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa.

Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cũng đang ưu tiên cung cấp điện cho các địa phương đảm bảo vận hành trạm bơm tiêu úng.

Từ chiều 2 - 3/4, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế lượng mưa đã giảm dần, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 20-50mm, có nơi trên 50mm.

Đỗ Trưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm