Bạc Liêu ứng phó hạn, mặn mùa khô 2021-2022

Nông dân pha phân bón vào nước tưới trước khi đưa vào hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Nông dân pha phân bón vào nước tưới trước khi đưa vào hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô 2021-2022, dự báo xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm, vào sâu nội địa do nước thượng nguồn giảm (đỉnh điểm dự kiến là tháng 3 và tháng 4 tới).

Bạc Liêu ứng phó hạn, mặn mùa khô 2021-2022 ảnh 1Nông dân pha phân bón vào nước tưới trước khi đưa vào hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Trước tình hình như vậy, các địa phương trong vùng và ngành chức năng đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó. Bạc Liêu là tỉnh nằm ở cuối nguồn nước ngọt từ sông Mê Kông, lại giáp với biển nên nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn luôn ở mức cao.

Để chủ động ứng phó với hạn mặn, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022. Theo đó, tỉnh đưa ra 3 kịch bản là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm nay sẽ ít gay gắt; gay gắt, tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019 - 2020.

Nếu tình hình nguồn nước ngọt và thời tiết mùa khô năm nay tương đương mùa khô năm 2019 – 2020, Bạc Liêu dự kiến có 3.400ha lúa Đông Xuân có nguy cơ thiếu nước ngọt. Chất lượng nguồn nước ngọt dự báo có nhiều khả năng bị nhiễm phèn, chi phí sản xuất vụ Đông Xuân sẽ tăng nếu diễn biến nguồn nước và thời tiết bất lợi do sử dụng nhiều nhiên liệu bơm tát để tưới chống hạn.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng sẽ gặp khó về nguồn nước ngọt bổ sung độ mặn trên các ao nuôi có khả năng tăng cao hơn 25 ‰, vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm trong các tháng cao điểm của mùa khô.

Tỉnh Bạc Liêu dự kiến sẽ chi hơn 18,6 tỷ đồng cho giải pháp công trình để đắp 89 đập vụ lúa - tôm, 448 đập vụ Đông Xuân, hỗ trợ bơm tát nước, khoan bổ sung và kéo dài đường ống nước sạch… nhằm ứng phó với hạn mặn.

Để phục vụ sản xuất luá luân canh trên đất tôm- lúa khu vực chuyển đổi phía Bắc Quốc lộ 1A, sản xuất lúa Đông Xuân vùng ngọt ổn định; lấy nước mặn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi phía Bắc và phía Nam Quốc lộ 1A, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên thông báo lịch vận hành các cống đầu mối trên địa bàn tỉnh.

Tại Cống âu thuyền Ninh Quới trên kênh xáng Quản lộ - Phụng Hiệp, từ đầu tháng 2/2022 việc đo độ mặn được thực hiện liên tục mỗi ngày. Độ mặn tăng hay giảm quyết định sự vận hành của cống này. Độ mặn đo được được có thời điểm lên đến hơn 9‰.

Tuy nhiên, độ mặn này chỉ duy trì trong ngày 14/2 rồi sau đó giảm dần xuống dưới 5 ‰, rồi hơn 2 ‰ ổn định trong những ngày gần đây. Việc độ mặn giảm tại ngã tư Ninh Quới là do Cống âu thuyền Ninh Quới mở cho khối nước ngọt từ trên đổ xuống, nhờ đó mà đẩy khối nước mặn dần ra xa khỏi ngã tư Ninh Quới. Trong quá trình vận hành đóng, mở, một phần nước mặn cũng đã rò rỉ ra phía sau Cống âu thuyền.

Cống Sáu Tàu, một trong những cống lấy nước ngọt cho vùng sản xuất lúa của tỉnh, cách Cống âu thuyền Ninh Quới khoảng 1 km, có thời điểm độ mặn cũng lên đến hơn 1‰, do đó ngành chức năng đã tạm thời cho đóng cống này, nhằm đảm bảo nước mặn không vào bên trong. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, độ mặn tại cửa cống này đã giám đáng kể và xuống dưới 0,28‰.

Theo ông Phan Văn Hùng, Phụ trách quản lý, vận hành Cống âu thuyền Ninh Quới, hiện tại công trình này vẫn đang vận hành đóng, mở 24/24 để kiểm soát mặn, đồng thời điều tiết lưu thông. Nhờ có Cống âu thuyền Ninh Quới, nên việc ngăn mặn, giữ ngọt được chủ động hoàn toàn. Nước mặn không có khả năng vượt xa ngã tư Ninh Quới để đến các cống lấy nước ngọt.

Theo đơn vị quản lý, vận hành Cống âu thuyền Ninh Quới, việc một phần nhỏ nước mặn rò rỉ ra phía sau âu đã nằm trong tính toán khi thiết kế, và phần nước mặn này cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến vùng ngọt của tỉnh Bạc Liêu. Việc vận hành Cống âu thuyền Ninh Quới đang được thực hiện một cách khoa học, hợp lý và đơn vị vận hành phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của tỉnh nhằm đảm bảo kiểm soát mặn tốt nhất.

Cống âu thuyền Ninh Quới là công trình lớn, có sức tác động mạnh mẽ, giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm nghìn ha đất trồng lúa, rau màu cho người dân ở cả 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Sau 2 năm công trình này đưa vào vận hành, đã giúp cho hàng chục nghìn ha lúa Đông Xuân hàng năm của tỉnh Bạc Liêu đảm bảo có được nguồn nước ngọt đến cuối vụ.

Tuy vậy, Bạc Liêu là tỉnh nằm ở cuối nguồn nước ngọt được cấp về từ dòng Mê Kông lại giáp với biển cho nên nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn luôn ở mức cao. Do đó, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý, vận hành Cống âu thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu cũng chủ động triển khai quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn có hiệu quả để bảo vệ sản xuất vụ lúa Đông Xuân cho người dân.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm